Thị trường chứng khoán: Khối ngoại có sớm xoay chiều?
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận, với những ảnh hưởng từ môi trường kinh doanh nhiều biến động, dòng tiền có xu hướng tìm đến các tài sản an toàn hơn. Việc các ETF bị rút ròng thời gian qua là chỉ báo rõ ràng nhất.
Cụ thể, số liệu cập nhật từ phiên 8-26/5/2023 ghi nhận các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam bị rút ròng 746 tỷ đồng, với tổng lũy kế rút ròng là 1.300 tỷ đồng. Tính riêng tuần gần nhất 22-26/5/2023, các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam ghi nhận mức rút ròng hơn 358 tỷ đồng, tập trung ở ETF nội. Cụ thể, các quỹ ETF trong nước bị rút hơn 332 tỷ đồng, đây là mức rút ròng cao nhất trong hơn hai tháng trở lại, nguyên nhân chính do hai quỹ Dragon Capital quản lý (VFMVN Diamond ETF và VFM VN30 ETF) lần lượt bị rút 170 tỷ đồng và 145 tỷ đồng.
Động thái rút ròng của khối ngoại được lý giải do định giá thị trường không còn hấp dẫn, phần nhiều từ kết quả kinh doanh quý I/2023. Theo ước tính của VnDirect, tổng lợi nhuận ròng quý I/2023 của các công ty niêm yết trên ba sàn (H0SE, HNX, UPCOM) giảm 18,1% so với cùng kỳ, mức giảm thấp hơn so với quý IV/2022 (-31,9%).
Thống kê từ Fiinpro chỉ ra kế hoạch lãi năm nay của toàn thị trường có thể giảm 3%, trong đó khối phi tài chính giảm 20,6%. Do đó, định giá của thị trường đã có thay đổi với VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 12 tháng là 11,39x (tại ngày 1/6/2023), tăng 16,22% so với đáy tháng 11/2022 (9,8x). Chưa kể, với việc đồng USD đang có xu hướng tăng lại, dòng vốn ngoại sẽ chịu sức ép bán ra ở các thị trường chứng khoán như Việt Nam.
Tuy nhiên, điểm tích cực là dòng vốn nội đang thể hiện vai trò “cân” thị trường khá tốt. Bằng chứng là bất chấp đà bán ròng của khối ngoại, VN-Index trong tháng 5 vẫn tăng hơn 3,6%. Ông Nguyễn Thế Minh nhận định thêm, việc nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động thời gian qua phần nào khiến NĐT chuyển từ kênh tiết kiệm sang chứng khoán. Tuy nhiên, dòng tiền này cũng chỉ mang tính chất đầu cơ ngắn hạn, tập trung ở nhóm vừa và nhỏ.
Mặc dù động thái của NĐT 5 tháng đầu năm không mấy tích cực, song các chuyên gia kỳ vọng diễn biến của khối ngoại giai đoạn cuối năm sẽ “sáng cửa” hơn. Điều này được hỗ trợ nhờ loạt biện pháp cả về chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá Chính phủ, như gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, NHNN ba lần hạ lãi suất điều hành, Nghị định 08 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Ngoài ra, một số điểm sáng vĩ mô đã xuất hiện. Theo đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh. Đơn cử, theo Báo cáo Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) mới nhất của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), các doanh nghiệp châu Âu đã có những đánh giá tích cực về tương lai kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thế Minh kỳ vọng việc cổ phần hóa DNNN, niêm yết mới doanh nghiệp, ra mắt sản phẩm mới… chính là những động lực hút không chỉ dòng vốn ngoại, mà còn cả dòng tiền từ NĐT tổ chức, cá nhân trong nước.
Đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Petri Deryng - người đứng đầu quỹ Pyn Elite Fund cho rằng Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các biện pháp hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như thị trường chứng khoán. Dù vậy, thị trường vẫn đang đi ngang và chưa có xu hướng tăng rõ rệt. Vị này nhận định các cổ phiếu trên thị trường Việt Nam vẫn có định giá hấp dẫn, nhưng NĐT vẫn còn phải xem xét với điều kiện thanh khoản cải thiện và môi trường lãi suất thấp hơn. Đây là hai yếu tố sẽ khuyến khích dòng tiền quay trở lại thị trường.
Quỹ ngoại Vinacapital cũng tin tưởng rằng dù tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm chỉ còn 3,3% trong quý I, song các nhà hoạch định chính sách có thể khắc phục được tình trạng tăng trưởng chậm và kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục vào nửa cuối năm 2023.
Đánh giá tổng thể, các quỹ đầu tư nước ngoài đều đánh giá cao thị trường chứng khoán Việt Nam. Họ nhìn nhận sự hồi phục của kinh tế vĩ mô trong nước là động lực lớn nhất thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng điểm. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán thường tăng điểm trước khi kinh tế hồi phục, vì vậy quyết tâm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, cùng với việc chứng khoán Việt Nam hiện đang giao dịch ở mức định giá gần như thấp nhất 10 năm, khiến đây là thời điểm lý tưởng để đầu tư.