Thị trường hàng thủ công mỹ nghệ: Hồi phục nhờ du lịch
Theo Sở Công thương TP. Hà Nội, các làng nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 khi các hoạt động sản xuất cũng như xuất khẩu bị đình trệ. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát tốt ở trong nước, ngành du lịch Thủ đô đang nỗ lực đưa ra nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa. Trong 4 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Hà Nội đạt 85 nghìn lượt khách, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Khách trong nước đến Hà Nội đạt 381 nghìn lượt khách, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Thành phố đã khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2022, chủ đề “Hà Nội - Đến để yêu” với quy mô lớn gồm khu không gian chung được thiết kế các tiểu cảnh 2D, 3D giới thiệu điểm đến du lịch Hà Nội. Trong đó có khu gian hàng với 80 quầy giới thiệu đặc sản địa phương và các sản phẩm tour; Khu không gian làng nghề, ẩm thực Hà Nội giới thiệu một số sản phẩm làng nghề tiêu biểu… Thị trường du lịch phục hồi chính là cơ hội để các làng nghề khôi phục hoạt động và đẩy mạnh sản xuất.
Nhiều làng nghề đã tranh thủ đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm quà tặng, lưu niệm liên quan tới SEA Games 31 |
Đặc biệt SEA Games 31 đã thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Thủ đô. Chính vì thế, nhiều làng nghề đã tranh thủ đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm quà tặng, lưu niệm liên quan tới SEA Games như thêu, sơn mài, gốm sứ, mây tre đan, mộc, chế biến thực phẩm.. để phục vụ du khách. Bà Hoàng Thị Phương, chủ cơ sở Phương Linh Silk (Phố Lụa Vạn Phúc, Hà Đông) chia sẻ, khi dịch bệnh được kiểm soát và cả nước bước vào giai đoạn bình thường mới, hoạt động sản xuất của cơ sở được khôi phục. Ngay từ đầu tháng 3/2022, các cơ sở của Phương Linh Silk đều tăng công suất để sản xuất các mặt hàng làm quà tặng phục vụ SEA Games 31. Phương Linh Silk có 4 cơ sở trong làng Vạn Phúc chuyên sản xuất các mặt hàng lụa tự nhiên với các sản phẩm đa dạng như khăn, cà vạt, khăn trải bàn, quần áo, váy, vải lụa tơ tằm… Hiện tại, doanh số bán hàng đã tăng lên đáng kể và khách du lịch tham quan làng lụa Vạn Phúc cũng khá nhiều. Hy vọng sau khi kết thúc SEA Games, du khách vẫn tiếp tục ủng hộ sản phẩm của làng nghề và đến tham quan làng lụa.
Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hội Làng nghề Vạn Phúc cho biết, trong thời gian này, tất cả các cơ sở sản xuất làng nghề đều tất bật tập trung sản xuất các sản phẩm phục vụ cho SEA Games để phục vụ cho du khách, nhất là làm các sản phẩm đồ lưu niệm như áo lụa, khăn, ví, túi xách… Đây là cơ hội rất tốt để làng nghề quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với du khách sau 2 năm bị gián đoạn do dịch bệnh. Không những thế, làng nghề còn chủ động trang hoàng lại đường phố, cửa hàng để đón nhiều khách du lịch đến tham quan, mua sắm. Nhiều băng rôn cũng như biểu tượng của SEA Games được treo khắp từ cổng làng cho đến các cửa hàng. Các sản phẩm thủ công do các cơ sở sản xuất rất đa dạng về mẫu mã và mang giá trị truyền thống của Việt Nam nên được rất nhiều du khách quốc tế đón nhận.
Để khôi phục lại hoạt động sản xuất các làng nghề cũng như quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm lưu niệm, quà tặng thủ công mỹ nghệ, phục vụ du khách trong nước và quốc tế nhân dịp SEA Game 31, Sở Công thương TP. Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình nhằm quảng bá và kích cầu tiêu dùng. Có thể kể đến như Chương trình Kết nối “Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững sản phẩm làng nghề truyền thống TP. Hà Nội năm 2022”. Đặc biệt là Hội chợ triển lãm hàng lưu niệm Thủ đô năm 2022 (Hanoi Great Souvenirs 2022)… Các sản phẩm được trưng bày tại đây là những mặt hàng quà tặng thủ công mỹ nghệ của các cơ sở sản xuất, của các nghệ nhân trên địa bàn thành phố, đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, thu hút, tạo ấn tượng với khách.
Hội chợ được tổ chức quy mô với khu triển lãm 1.500m2 giới thiệu một số làng nghề tiêu biểu, độc đáo trên địa bàn thành phố, trưng bày giới thiệu hơn 10.000 sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu và 100 gian hàng... Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định, các sản phẩm thủ công đặc trưng của Hà Nội sẽ là những sản phẩm hấp dẫn du khách quốc tế khi đến Hà Nội tham dự và cổ vũ SEA Games 31.
Các chương trình quảng bá cũng như tổ chức các triển lãm, hội chợ trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ là nỗ lực cũng như cam kết của TP. Hà Nội trong việc luôn tích cực, chủ động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục có những chương trình hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, kết nối các chuỗi sản xuất, kích cầu tiêu dùng trong nước, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh quảng bá sản phẩm, kích cầu tiêu dùng. Cùng với đó, hỗ trợ các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tham gia các sàn thương mại điện tử nước ngoài như Amazon, Alibaba và phát hành bản tin cung cấp thông tin về nhu cầu của thị trường ngoài nước… nhằm hướng tới giá trị bền vững, gia tăng xuất khẩu.