Thị trường M&A hồi phục trở lại?
Thị trường M&A, nhà đầu tư nhắm đến doanh nghiệp đầu tư sản phẩm ổn định “Dậy sóng” M&A |
Đáng chú ý nhất thời gian gần đây là hai thương vụ liên tiếp của CTCP Tập đoàn KIDO. Một là để nâng sở hữu tại CTCP Hùng Vương lên 75,39%, biến công ty này thành một công ty con và đưa Hùng Vương Plaza về tay tập đoàn vào cuối tháng 8, KIDO đã hoàn tất việc nâng tỷ lệ sở hữu tại Hùng Vương. Trước đó, KIDO cũng gia nhập thị trường nước mắm, hạt nêm với nhãn hiệu Tường An và Tường An Unicook thông qua các thương vụ M&A.
Hay như với việc nhận chuyển nhượng từ CTCP Container Việt Nam tỷ lệ 99,999775% vốn điều lệ (399,999 tỷ đồng) của Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ, Viconship trở thành doanh nghiệp cảng lớn nhất tại Hải Phòng hiện nay, với tổng công suất khoảng 2,6 triệu TEU và chiếm 30% thị phần.
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng không đứng ngoài cuộc chơi hứa hẹn nhiều tiềm năng này. Đơn cử, Mapletree Logistics Trust từ Singapore đã chi 68,4 triệu SGD (hơn 50 triệu USD) để mua lại hai nhà kho hạng A tại Bình Dương và Hưng Yên; Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) mua lại 25% cổ phần trong Dự án Paragon Đại Phước; CapitaLand Investment cũng dự kiến đầu tư từ 70 đến 110 triệu USD trong hai năm tới để xây dựng hoặc mua lại các khu công nghiệp tại Việt Nam.
Nhóm chuyên giả của FiinGroup phân tích, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong năm 2023, thị trường M&A Việt Nam vẫn cho thấy tiềm năng và sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Một chuyên gia còn chỉ ra rằng, từ quý IV/2023 tới nay đã có thêm nhiều yếu tố hỗ trợ cho sự phát triển triển bền vững của thị trường M&A. Bởi từ khi dịch Covid-19 cho đến hết năm 2023, chi phí vốn cao, nguồn vốn rút khỏi thị trường và mức độ hoạt động đã giảm đi đáng kể nhưng dòng vốn này sẽ sớm quay trở lại vì "vòng quay" sinh lời không thể dừng lại quá lâu. Hơn nữa, M&A cũng là đòn bẩy chiến lược quan trọng hơn bao giờ hết để các công ty nhanh chóng thích ứng với kế hoạch kinh doanh trong hoàn cảnh mới.
Theo giới phân tích về M&A, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024.
Việc các nhà đầu tư nước ngoài tích cực tham gia vào thị trường M&A tại Việt Nam cũng đặt ra không ít áp lực cạnh tranh lên khối nội trong cuộc chiến giành thị phần trên sân nhà. Theo Chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam Lê Phụng Hào, lý do khiến doanh nghiệp Việt Nam bị nước ngoài "thôn tính" là bởi đa phần các doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên thiếu vốn và kinh nghiệm quản trị. Đồng thời, thiếu liên kết, chưa phát triển được mô hình kinh doanh theo chuỗi và chậm thích ứng với tập quán kinh doanh quốc tế và các FTA…
Đưa ra một số giải pháp, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần hợp tác liên kết kể cả trong hoạt động mua bán và sáp nhập từ sản xuất cho đến phân phối nhưng để làm được điều đó doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, có tư duy và chiến lược mới. Để "sống khỏe" và phát triển sau M&A, doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên liệu, điều chỉnh các dòng sản phẩm mang tính tiện ích hơn, sáng tạo ra sản phẩm mới sử dụng những nguyên liệu vốn là thế mạnh trong nước. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đa dạng hóa, hiện đại hóa các kênh phân phối phù hợp với từng nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm.