Thị trường nguyên liệu biến động mạnh: Chiến lược nào cho doanh nghiệp chăn nuôi?
Giá lợn hơi tăng cao nhất trong vòng một năm Doanh nghiệp cần đầu tư chế biến sâu, đưa ngành chăn nuôi bước ra thế giới |
Ảnh minh họa |
Giá nguyên liệu chăn nuôi biến động
Cùng với lo ngại về an ninh lương thực, bất ổn về chính trị, quân sự tại nhiều quốc gia, thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã biến động mạnh mẽ trong vài tuần vừa qua. Giá ngô và lúa mì liên tiếp trải qua các đợt tăng, giảm với biên độ rộng, chưa có xu hướng rõ ràng. Các nhà máy sản xuất vì thế cũng chỉ đang tạm đứng ngoài thị trường, chờ thêm các thông tin về nguồn cung và tình hình tại khu vực Biển Đen.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, giá lúa mì hợp đồng tháng 9 niêm yết trên Sở Giao dịch Chicago đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua trong giai đoạn 18-25/7 rồi bất ngờ đảo chiều với chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp. Thị trường ngô cũng liên tục tạo ra các đỉnh chữ V ngược khi tăng vọt và lao dốc chỉ trong thời gian ngắn. Diễn biến này cũng gây ra không ít khó khăn cho ngành chăn nuôi nước ta khi các doanh nghiệp phải đưa ra chiến lược nhập khẩu nguyên liệu phù hợp.
Thông thường, giai đoạn quý III hàng năm sẽ là thời điểm mà thị trường hướng về triển vọng nguồn cung tại Mỹ. Mùa vụ ngô, đậu tương đều bước vào quá trình phát triển quan trọng và tình hình thời tiết là yếu tố có vai trò quyết định tới xu hướng giá trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, năm nay, không chỉ có sự thay đổi về mô hình thời tiết mà xung đột Nga - Ukraine đã lại một lần nữa làm dậy sóng thị trường nông sản.
Nhịp tăng của giá ngô, lúa mì và đậu tương vào cuối tháng 7 được thúc đẩy ngay sau khi Nga thông báo sẽ rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, đồng thời liên tục thực hiện các cuộc không kích nhằm vào cơ sở hạ tầng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Mặc dù mức tăng này vẫn khá khiêm tốn so với thời điểm chiến tranh bắt đầu vào tháng 02 năm ngoái nhưng cũng khiến cho thị trường lo ngại trong bối cảnh an ninh lương thực toàn cầu đang là vấn đề được nhiều quốc gia đặt ưu tiên.
Thời tiết tại Mỹ vẫn sẽ là yếu tố quyết định đến xu hướng giá nông sản
Thị trường nông sản nhanh chóng đảo chiều và suy yếu trong vài phiên gần đây bất chấp tình hình căng thẳng chính trị ở Biển Đen vẫn không ngừng leo thang. Điều này cho thấy hoạt động xuất khẩu của Nga và Ukraine không còn ảnh hưởng đáng kể tới cơ cấu nguồn cung thế giới như tác động của chiến tranh năm ngoái. Thay vào đó, giá các mặt hàng đang quay trở lại biến động theo triển vọng thời tiết tại Mỹ.
Mặc dù tốc độ gieo trồng tại Mỹ diễn ra khá nhanh chóng nhưng hạn hán kéo dài đã khiến cho lo ngại về nguồn cung gia tăng. Thậm chí, tác động từ thời tiết năm nay còn được so sánh với giai đoạn mất mùa và thiệt hại nghiêm trọng của Mỹ vào năm 2012. Xuất khẩu ngô Mỹ niên vụ 2012/2013 chỉ đạt 18,5 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ niên vụ 1970/1971.
Theo báo cáo Drought Monitor, tỉ lệ diện tích ngô bị hạn hán ở Mỹ vào tháng 6/2012 là 41% và sau đó nhanh chóng mở rộng lên gần 85% chỉ sau 2 tháng. Hiện tại, hạn hán hiện đang ảnh hưởng tới 59% diện tích ngô niên vụ 2023/2024, tăng 4% so với báo cáo tuần trước.
Chất lượng ngô trong tuần vừa rồi cũng sụt giảm do hạn hán tăng cường ở Midwest, khu vực sản xuất chính của Mỹ. Chỉ có 55% diện tích ngô năm nay của Mỹ đạt chất lượng tốt/tuyệt vời trong tuần kết thúc ngày 30/7, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, cho biết: “Bắt đầu từ tuần này, USDA sẽ tiến hành ước tính đầu tiên dựa trên khảo sát về sản lượng ngô năm 2023. Những số liệu về tình trạng hạn hán và mùa vụ gần đây ở các khu vực gieo trồng cho thấy khả năng dự báo sản lượng ngô Mỹ niên vụ 2023/2024 có thể sẽ bị hạ điều chỉnh trong báo cáo cung - cầu tháng 8 sắp tới”.
Các doanh nghiệp chăn nuôi cần làm gì?
Mặc dù khả năng sản lượng không đạt mức kỳ vọng của thị trường nhưng mùa vụ năm nay được đánh giá không quá tiêu cực như năm 2012. Diện tích ngô Mỹ mở rộng, cùng với mô hình thời tiết El Nino quay trở lại sau 3 năm liên tiếp xuất hiện La Nina là những tín hiệu tích cực đối với nguồn cung nông sản toàn cầu. El Nino tăng cường sẽ giúp các khu vực sản xuất tại Mỹ mát mẻ và ẩm ướt hơn. Bên cạnh đó, với ước tính vụ ngô thứ 2 của Brazil sẽ đạt mức kỷ lục, lo ngại của thị trường cũng sẽ được xoa dịu phần nào.
“Giá các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi có thể sẽ chịu áp lực lớn về nguồn cung trong quý IV năm nay khi mùa vụ của Mỹ bắt đầu thu hoạch. Các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước có thể chờ đợi thêm đối với các chuyến hàng giao vào các tháng cuối năm. Sau 3 năm liên tiếp, ngành chăn nuôi nước ta có thể kỳ vọng về triển vọng mới, khả quan hơn khi giá nguyên liệu nhập khẩu giảm dần”, ông Quang Anh nhận định.