Thu hút FDI chất lượng cao: Cần lực, đà và thế
4 tháng, giải ngân vốn FDI đạt 5,5 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ | |
Doanh nghiệp FDI vẫn chiếm ưu thế | |
Hà Nội: Ưu tiên nhà đầu tư FDI lĩnh vực công nghệ cao |
Chủ động đón làn sóng thứ 4
Kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành năm 1987, đến nay đã có 3 làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam với 33.070 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 384 tỷ USD; vốn thực hiện khoảng 231,86 tỷ USD.
Nhìn lại 33 năm qua, Việt Nam đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện nhiều chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhờ đó, khu vực FDI đã phát triển nhanh và đến nay thực sự trở thành một bộ phận quan trọng của kinh tế Việt Nam khi đóng góp khoảng 20% GDP, trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp và khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động. Nhưng không phải lúc nào FDI cũng phát huy được tốt, thậm chí còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.
Cần có chính sách để chọn lọc các dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao, lan tỏa tốt đến kinh tế trong nước |
TS.Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá, khu vực FDI xuất hiện được 1/3 thế kỷ đã giúp cho kinh tế Việt Nam cất cánh bay lên, nhưng FDI chủ yếu gia công, sử dụng lao động giản đơn, 67% vật tư máy móc nhập khẩu từ nước ngoài, giá trị gia tăng tạo ra chưa lớn, chưa cộng sinh với doanh nghiệp trong nước, sức lan toả về công nghệ, quản trị chưa cao. Một bộ phận doanh nghiệp FDI còn gây ô nhiễm môi trường, tận dụng ưu đãi chính quyền địa phương, nhưng chưa đóng góp tương xứng, kinh doanh chộp giật… nếu không kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.
Hiện Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón làn sóng FDI thứ 4 với những “đại bàng” công nghệ đầy tiềm năng. Nhưng để tận dụng được cơ hội này cũng không đơn giản, bởi cuộc CMCN 4.0 đang đặt ra nhiều vấn đề, thách thức đối với thu hút FDI, nhất là tác động của công nghệ trí tuệ nhân tạo, tự động hóa trình độ cao, sản xuất thông minh... Đại dịch Covid-19 cũng buộc chúng ta phải định hình lại các dòng đầu tư, cùng sự phát triển công nghệ dẫn đến cách định hình lại FDI đang diễn ra. “Nếu ta tiếp tục thực hiện các cách thức cũ thì sẽ tiến lên rất chậm, thậm chí tụt hậu”, PGS.TS.Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.
Cũng nhấn mạnh về cơ hội và cách thức mới, chiến lược mới với FDI, tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 do Bộ Ngoại giao và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức hôm 26/4/2021, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu: “Cơ hội từ làn sóng FDI thứ 4 đang mở ra. Nhưng trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI ngày càng khốc liệt, hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư cả trong nước và nước ngoài còn gặp khó khăn do những tác động từ đại dịch Covid-19, đòi hỏi Việt Nam phải thích ứng, chủ động, sáng tạo và đón kịp dòng chảy của làn sóng FDI thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, đưa được dòng vốn chất lượng cao về Việt Nam”.
Bởi vậy theo các chuyên gia, để đón làn sóng FDI lần thứ 4 Việt Nam phải có sự chuẩn bị tốt; chính sách thu hút FDI thời gian tới phải đổi mới mạnh mẽ sang tư duy chủ động, thu hút có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí hàng đầu. Trong đó trách niệm và vai trò của địa phương trong trong thu hút các FDI được nhấn mạnh.
“Làn sóng FDI lần thứ 4 không chỉ chạy theo số lượng dự án, chạy theo những dự án đầu tư hàng chục tỷ đô mà không nâng cấp chất lượng tăng trưởng, không cộng sinh với doanh nghiệp nội địa, không lan toả quản trị với doanh nghiệp Việt Nam”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh. Trong khi theo PGS.Trần Đình Thiên, các địa phương cần chuẩn bị năng lực rất lớn, nếu không sẽ như những năm trước, tuyên bố rất lớn lao nhưng không đủ năng lượng để đón dòng FDI, hoặc lại đón vào những dự án không mong đợi.
3 yếu tố trụ cột để thu hút FDI
Khẳng định Việt Nam đã nhận diện khá rõ các vấn đề về FDI, nhưng PGS.Trần Đình Thiên nhấn mạnh 3 điểm cần lưu ý trong thu hút FDI, đó là lực, đà và thế. Một tín hiệu đáng mừng đã được lãnh đạo một số địa phương hé lộ là nhiều địa phương đã xác định rõ “thế” của mình, cũng như yêu cầu phát triển của đất nước và của địa phương để chọn lọc FDI.
Ông Phạm Xuân Thăng - Bí thư tỉnh ủy Hải Dương cũng như ông Lê Duy Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đều cho biết, các tỉnh này đã “tính lại” chiến lược thu hút FDI theo hướng có chọn lọc, có điều kiện. Điều kiện của Hải Dương xét trên khả năng tăng tỷ suất đầu tư trên một đơn vị diện tích, tăng hàm lượng khoa học công nghệ vào dòng vốn đầu tư, bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng, năng suất lao động, thu nhập lao động… Bên cạnh những yêu cầu về điều kiện hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, khi thẩm định dự án FDI, Vĩnh Phúc sẽ soi vào các yếu tố như tỷ lệ nội địa hoá, make in Việt Nam, có doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung ứng vào. “Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến sự liên kết FDI với doanh nghiệp nội địa và sự phát triển của DNNVV Việt Nam - những doanh nghiệp do chính người Việt Nam gây dựng để tạo ra những giá trị bền vững”, Chủ tịch Vĩnh Phúc nói thêm.
Từ sự chia sẻ của lãnh đạo các địa phương cho thấy những thành tựu về thu hút FDI trong những năm qua và những thành quả phát triển kinh tế xã hội đã đạt được, Việt Nam đã có đà, có lực và có thế, có cách tiếp cận linh hoạt, sáng tạo về FDI. Nhưng những nhận thức này và hành động này cần lan tỏa tới cả 63 tỉnh thành để cùng tạo thêm đà thêm lực, khẳng định vị thế cùng tận dụng tốt các cơ hội và phát huy lợi thế tiếp tục vươn lên.
Góp thêm lời cho cách thu hút FDI mới, PGS. Trần Đình Thiên lưu ý, chính những cam kết của Việt Nam vươn tới chuẩn mực toàn cầu về phát triển bền vững, sử dụng năng lượng sạch, đó là một yêu cầu phát triển và cũng là thương hiệu của Việt Nam để hút dòng đầu tư chất lượng cao.
Theo nhiều cơ quan thông tin kinh tế quốc tế đáng tin cậy như Finance Brand, Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc Tạp chí Kinh tế của Anh (The Economist), Việt Nam là quốc gia có mức tăng trưởng thương hiệu quốc gia nhanh nhất trên thế giới với mức tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới và trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn ở châu Á. |