Thua lỗ nghiêm trọng, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị lên Chính phủ
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị sớm ban hành Nghị định về kinh doanh xăng dầu. |
Các doanh nghiệp cho biết hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do thời gian qua quy định trong Nghị định luôn bất lợi đối với khâu bán lẻ xăng dầu, hầu hết doanh nghiệp đang rơi vào cảnh thua lỗ nghiêm trọng, việc kinh doanh bấp bênh và kéo dài quá lâu.
Nguyên nhân bởi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu bộc lộ nhiều điểm bất cập, hạn chế, nên đã tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.
Cụ thể, các doanh nghiệp bán lẻ phản ánh, quá trình xây dựng Nghị định 95/2021, doanh nghiệp bán lẻ không được mời tham gia góp ý kiến trong khi đây là thành phần rất lớn tham gia thị trường dẫn đến Nghị định xây dựng không dựa trên cơ sở khách quan mà luôn có lợi cho doanh nghiệp đầu mối.
"Từ đó dẫn đến rất nhiều sai lầm và gây ra hệ lụy về thao túng nguồn hàng, chặn không cho doanh nghiệp bán lẻ mua hàng khi điều chỉnh giá có lợi để hưởng chênh lệch giá và xả hàng khi giá có xu hướng giảm", theo nội dung kiến nghị.
Các doanh nghiệp bán lẻ dẫn chứng, đợt giảm giá vừa qua (ngày 11/5), giá xăng giảm 1.300 đồng/lít thì trước đó doanh nghiệp đầu mối tăng chiết khấu lên 1.000-1.200 đồng/lít để xả hàng giảm lỗ và gọi điện kêu mua hàng để giảm lỗ. Khi giá có xu hướng điều chỉnh tăng thì họ giảm chiết khấu xuống xấp xỉ 0 đồng và tiến hành bán hạn chế, bán theo tiến độ, thậm chí là thông báo hết hàng. Nhưng ngay sau khi điều chỉnh tăng giá xong, được hưởng chênh lệch thì báo có hàng và bán tự do.
Cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ cho rằng doanh nghiệp đầu mối thao túng nguồn hàng, muốn bán thì bán, muốn ngưng thì ngưng, chiết khấu thì tự ý muốn cho bao nhiêu thì tùy thích.
"Trước điều chỉnh giá và sau chỉnh giá thời gian chưa đầy 1 tiếng đồng hồ mà chiết khấu chênh lệch cả ngàn đồng/lít. Điều đáng nói là hiện nay sự việc này vẫn đang tiếp diễn", văn bản phản ánh.
Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ cũng chỉ ra những bất cập là họ không nhận được chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức đáng được hưởng chỉ vì trong Nghị định 95 quy định không rõ ràng, không ghi cụ thể tỷ lệ chi phí và lợi nhuận định mức giữa khâu bán buôn và bán lẻ, mặc dù Thông tư số 104/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu của Nghị định 95 có nêu là chi phí này bao gồm cả khâu bán buôn và khâu bán lẻ.
Từ những lý do trên, các doanh nghiệp bán lẻ đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lập tổ đánh giá lại Nghị định 95, đồng thời việc sửa đổi Nghị định phải được lấy ý kiến của các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp bán lẻ. Nhóm này mong muốn Thủ tướng sớm ban hành Nghị định về xăng dầu không trễ hơn quý II/ 2023 để giúp cho ngành xăng dầu bước sang trang mới ổn định, hiệu quả, công bằng trong mọi mặt hoạt kinh doanh và đảm bảo ổn định an ninh năng lượng quốc gia.
Vừa qua, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 118/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý I/2023, theo đó yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống và điều hành giá xăng dầu theo quy định; Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg.