Thúc đẩy đổi mới sáng tạo Fintech
Đưa dịch vụ tài chính lên màn hình điện thoại | |
M&A Fintech sẽ sôi động | |
Ngân hàng - Fintech: Hợp tác để gia tăng giá trị |
Hiện số lượng các công ty Fintech tại Việt Nam đã lên đến hơn 160 công ty phát triển trong lĩnh vực công nghệ tài chính, gấp khoảng 4 lần so với năm 2017. Sơ lược thì năm 2021 có tới gần 70% trong tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động ở lĩnh vực Fintech và gần một nửa trong số đó chủ yếu tập trung cung cấp các giải pháp thanh toán công nghệ cho khách hàng. Báo cáo Fintech in ASEAN 2021 của UOB, PwC Singapore và Hiệp hội Fintech Singapore cho thấy, các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam đã kêu gọi thành công 375 triệu USD chỉ trong ba quý đầu năm 2021, xếp thứ ba tại khu vực ASEAN…
Trung tâm đổi mới sáng tạo giúp Fintech thu hẹp khoảng cách từ ý tưởng tới việc đưa sản phẩm ra thị trường |
Những thông tin trên chỉ là một vài lát cắt phần nào giúp chúng ta hình dung sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và hấp dẫn của thị trường Fintech tại Việt Nam. Không phủ nhận rằng, những đổi mới, sáng tạo về công nghệ tài chính đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với các tổ chức tài chính, ngân hàng thông qua việc bổ khuyết, giải quyết tính thiếu hiệu quả trong sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện hành… Fintech đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phổ cập tài chính toàn diện quốc gia, cũng là cấu phần trọng yếu để góp vào việc đạt mục tiêu Chính phủ số, kinh tế số trong cuộc CMCN 4.0 mà nhiều quốc gia đang hướng tới, trong đó có Việt Nam.
Nhưng làm sao để hoàn thiện hệ sinh thái Fintech hiệu quả hơn nữa? Giới chuyên gia cho rằng, muốn đổi mới được thì phải tạo điều kiện cho sự đổi mới có đất để nảy mầm, sinh sôi và lớn lên. Bên cạnh việc rà soát, xây dựng để hoàn thiện các khung khổ pháp lý trong quản lý lĩnh vực này như việc xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát thì việc thành lập và phát triển mô hình Fintech Innovation Hub (Trung tâm đổi mới công nghệ tài chính) tại Việt Nam cũng là giải pháp được nhiều chuyên gia đề cập tới. Nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng xây dựng hệ thống vườn ươm và tạo cơ chế thử nghiệm để giúp các công ty này tăng cường sự cạnh tranh, giảm thiểu rủi ro và đưa ra nhiều sản phẩm có ích với xã hội. Hay nói cách khác, những Fintech Innovation Hub, Fintech Hub, hay Fintech Lab… sẽ góp phần tạo nền tảng hỗ trợ để các Fintech thu hẹp hơn khoảng cách từ ý tưởng, phát minh tới việc đưa sản phẩm ra thị trường. Mô hình này đã xuất hiện và khá thành công tại một số quốc gia trên thế giới như Mỹ, Singapore…
“Triển khai Fintech Innovation Hub, hay Fintech Hub… sẽ giúp kết nối những ý tưởng, các giải pháp mới trong phát triển sản phẩm, dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ từ các doanh nghiệp Fintech tới các cơ quan quản lý, để từ đó tìm ra được tiếng nói chung, lựa chọn được giải pháp phù hợp nhất, có thể triển khai được hiệu quả trên thị trường”, ông Ngô Tấn Vũ Khanh - Giám đốc quốc gia Kaspersky Việt Nam chia sẻ.
Đồng quan điểm, ThS. Phan Thu Trang - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng nhìn nhận, các vườn ươm và trung tâm hỗ trợ đang được mở rộng, với mục đích xây dựng một hệ sinh thái năng động và toàn diện. Thực tế, việc tìm kiếm và ươm mầm tài năng đòi hỏi các công ty Fintech phải chấp nhận bỏ ra một số vốn không nhỏ. Trong khi đó, công tác đào tạo lĩnh vực Fintech còn hạn chế, chủ yếu là đào tạo đơn ngành về tài chính hoặc công nghệ. Nên để tuyển dụng nguồn nhân lực phù hợp là vấn đề tương đối nan giải cho các nhà lãnh đạo các công ty Fintech. Bởi vậy, cơ quan quản lý nhà nước cũng nên xem xét khuyến khích xây dựng các chương trình đào tạo cho lĩnh vực mới mẻ này, đặc biệt mở rộng các chương trình ươm mầm tài năng để giúp cho sự phát triển của lĩnh vực Fintech nói riêng và nền kinh tế nói chung. Chuyên gia cho rằng, sự quan tâm của Chính phủ đồng thời xác định rõ định hướng phát triển, tạo điều kiện về nguồn lực, cả về vốn lẫn con người sẽ là yếu tố then chốt để các mô hình này phát huy được vai trò của mình.
Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch VINASA chia sẻ, Fintech đang đóng vai trò trọng tâm trong đổi mới sáng tạo lĩnh vực công nghệ tài chính, làm thay đổi cách quản trị tài chính cho các doanh nghiệp. Fintech Việt Nam thật sự đã tạo ra làn sóng, và đã xuất hiện kỳ lân trong lĩnh vực này. Ngoài ra, tại Việt Nam cũng đã có Làng Fintech, có Câu lạc bộ Vina Fintech... tạo ra sân chơi, tư vấn, hỗ trợ giúp các doanh nghiệp Fintech kết hợp với các định chế tài chính. Trong đó có hệ thống ngân hàng, các tập đoàn lớn tạo điều kiện khởi nghiệp Fintech thành công, đóng góp cho chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số Việt Nam.
Song cũng theo ông Thắng, đổi mới sáng tạo đã khó, đổi mới sáng tạo mang dấu ấn của Việt Nam còn khó hơn rất nhiều. Bởi thế, việc sáng tạo phải để lại thương hiệu riêng, có thể kết nối được, và chia sẻ được về kiến thức, kinh nghiệm, nguồn lực cũng như hiệu quả mang lại. “Khởi nghiệp thành công, bên cạnh chính sách, cơ chế của Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp Fintech cũng cần thực hiện theo ba bước: ý tưởng sáng tạo, triển khai khả thi, mang lại hiệu quả. Có như vậy mới tạo ra động lực phát triển cho xã hội và đất nước”, ông Thắng chia sẻ quan điểm.