Thúc đẩy phát triển kinh tế số
Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết, TP. HCM là địa phương tiên phong trong việc xây dựng chương trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh.
Hiện tại TP.HCM là một trong những địa phương có tỷ lệ cũng như số dân sử dụng điện thoại thông minh cao nhất nước; hạ tầng cáp quang, internet băng thông rộng, hạ tầng di động 3G, 4G phủ 100% phường, xã, thị trấn; xu hướng số hóa, làm việc, học tập từ xa ngày càng phổ biến; các ứng dụng công nghệ phục vụ đời sống phát triển nhanh chóng... TP.HCM đã xác định một trong các giải pháp quan trọng để phục hồi, tăng trưởng kinh tế là đẩy mạnh chuyển đổi số.
Các chuyên gia khẳng định, để phát triển kinh tế số thành công, cần xây dựng mục tiêu và xác định rõ ràng về lộ trình phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số, cũng như các đóng góp của khối doanh nghiệp này vào ngân sách. Cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển. Trong đó, cần có các chính sách giúp doanh nghiệp kết nối hiệu quả hơn với các chuyên gia để giải quyết các vướng mắc, qua đó hình thành sản phẩm, mô hình mới có tính đột phá nhanh nhất.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của doanh nghiệp, tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP.HCM khẳng định, trung tâm của phát triển kinh tế số là doanh nghiệp. Do đó cần hình thành những vườn ươm cho doanh nghiệp khởi nghiệp với vai trò ươm tạo những ý tưởng kinh doanh. Hiện tại Khu Công nghệ phần mềm có tới 50-70 doanh nghiệp được ươm tạo mỗi năm. Tuy nhiên, sau 2-3 năm, chỉ có khoảng 5%-10% số này có khả năng "sống sót" và trong số đó, chỉ có thể có một doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp “triệu đô”. "Với xác suất rủi ro cao như vậy nên các mô hình vườn ươm cần có sự hỗ trợ của Nhà nước với vai trò bà đỡ chính sách để có thể phát triển" - tiến sĩ Vũ khuyến nghị.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Mai Hải An, Phó Chủ tịch Liên minh doanh nghiệp công nghiệp số Việt Nam cho rằng, việc tăng cường hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp sẽ tạo ra nguồn nhân lực kinh tế số dồi dào. Để thúc đẩy mối liên kết này, TP.HCM cần giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, đơn vị liên quan. Bên cạnh đó, TP.HCM cần đề ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ như xúc tiến thương mại, tiếp cận dự án công, hỗ trợ chính sách vay vốn… để thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số.
Trên thực tế, đóng góp chính vào kinh tế số chính là lực lượng doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp số chỉ mới chiếm một phần rất nhỏ, khoảng 2% tổng số doanh nghiệp toàn thành phố. Do đó, việc động viên, kêu gọi và hỗ trợ hơn 250.000 doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực chuyển đổi số để trở thành doanh nghiệp ứng dụng số mới là điều quan trọng nhất.
Thực tiễn cũng cho thấy, một khó khăn lớn của doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số hiện nay là nhiều khi còn chưa thống nhất về ý chí, quan điểm trong nội bộ.
Mặc dù ứng dụng số vào doanh nghiệp đem lại hiệu quả quá rõ ràng, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ý thức rõ điều này nhưng vẫn gặp nhiều trở ngại không nhỏ. Có doanh nghiệp khi chuyển đổi số đã chấp nhận mất 20%-30% nhân lực, song không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm như vậy. Nhiều doanh nghiệp không nỡ "cắt chân, cắt tay" của chính mình. Tuy vậy, chuyển đổi số là tất yếu trong tiến trình phát triển kinh tế và đã đến lúc doanh nghiệp buộc phải tìm được cách làm riêng cho mình.
Trước thực tế đó, TP.HCM cũng đã xác định các nhiệm vụ chủ yếu trong phát triển kinh tế số, trong đó có hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số dựa trên đổi mới sáng tạo.
Hiện đã có 10 ngành được thành phố ưu tiên chuyển đổi số là: y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng, đào tạo nhân lực
"Lần đầu tiên thành phố đã xác định được chỉ số đóng góp của kinh tế số vào GRDP của thành phố ở góc độ nghiên cứu khoa học. Đó là cơ sở quan trọng để TP.HCM bắt đầu định hình những chính sách phát triển kinh tế số" - ông Lâm Đình Thắng khẳng định.