Thuế phòng vệ thương mại tạo sức bật cạnh tranh
“Cuộc chơi” bình đẳng ở nhiều ngành
Sau 5 tháng điều tra, cuối tháng 2/2021 Bộ Công thương đã chính thức quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Với mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với đường thô và đường tinh luyện Thái Lan lần lượt là 44,88% và 33,88%.
Ông Nguyễn Văn Lộc - quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho rằng, các mức thuế này đã gần cân bằng được sự chênh lệch giá đường thành phẩm giữa đường nội địa và đường nhập khẩu chính thức từ Thái Lan. Các nhà máy chế biến đường trong nước theo đó sẽ có cơ hội giải phóng hàng tồn và khôi phục hoạt động. Đồng thời giảm bớt áp lực cạnh tranh về giá với đường Thái, nhất là khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành mía đường đã bắt đầu có hiệu lực gần 3 tháng và sản lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan các tháng vừa qua đã tăng đột biến.
Giá đường Thái Lan đã cân bằng hơn với đường sản xuất trong nước |
Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, biện pháp phòng vệ thương mại của Bộ Công thương sẽ hỗ trợ cân bằng mức giá bán đường thành phẩm ở thị trường trong nước. Bởi với việc giảm 5,4% sản lượng đường của Thái Lan trong niên vụ 2020-2021, ước tính số lượng đường nhập khẩu sẽ ở mức thấp trong giai đoạn từ tháng 12/2020 - tháng 4/2021 và giá đường trắng nội địa trong năm 2021 sẽ dao động trong khoảng 10.500 - 13.000 đồng/kg. Mức giá này cân bằng hoặc thấp hơn một chút so với giá đường Thái khi bị áp thuế chống bán phá giá 33,88%.
“Với diễn biến này, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp đường trong nước tiếp tục ở mức cao. Nếu các doanh nghiệp ngành đường giải quyết tốt được những rủi ro đường giá rẻ nhập lậu và rủi ro thời tiết tác động đến vùng nguyên liệu mía thì có thể là kênh đầu tư khả quan”, VCBS nhận định.
Ở ngành hàng tôn, thép tình hình cũng diễn ra tương tự. Từ cuối tháng 10/2020, Bộ Công thương chính thức áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép phủ màu (hay thường gọi là tôn màu) có xuất xứ từ Hàn Quốc và Trung Quốc. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu thép phủ màu của Trung Quốc là từ 2,53% đến 34,27% và của Hàn Quốc là từ 4,71% đến 19,25%. Tiếp đó vào cuối tháng 12/2020, sản phẩm thép cán nguội dạng cuộn nhập khẩu từ Trung Quốc cũng bị áp thuế chống bán phá giá 4,43 – 25,22% trong 5 năm.
Điều đó đã giúp các doanh nghiệp thép tranh thủ chiếm lĩnh thị trường nội địa. Trong khi các hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam vừa tham gia đã tạo sức bật cho xuất khẩu. Ông Trịnh Khôi Nguyên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, hiện các đơn hàng xuất khẩu tôn mạ màu đi các thị trường Hoa Kỳ, Mexico, châu Âu… của nhiều doanh nghiệp đã tăng mạnh 30-40%. “Vì vậy rất có thể trong năm nay ngành thép sẽ có mức trưởng khoảng 5%-6%”, ông Nguyên dự báo.
Vẫn cần bổ túc luật chơi quốc tế
Trung tuần tháng 2/2021 mặt hàng tôn lạnh của Việt Nam đã bị Ủy ban chống bán phá giá Indonesia (KADI) áp thuế chống bán phá giá ở mức 3,01%-49,2%. Trước đó, các ngành chức năng của Malaysia và Hoa Kỳ cũng đã áp thuế tương tự với các mặt hàng thép cán nguội không gỉ và ống đồng xuất xứ từ Việt Nam với mức thuế chống bán phá giá từ 3,7% - 34,82% vì những cáo buộc liên quan đến sử dụng nguyên liệu có xuất xứ từ Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Sưa nhận định, sau khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên sản phẩm thép của Trung Quốc (năm 2017), có hiện tượng hàng Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ tăng ồ ạt. Thời điểm này đã có nhiều ý kiến cảnh báo các doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu kỹ các điều khoản cáo buộc để giảm tránh rủi ro bị vạ lây khi Hoa Kỳ nghi ngờ và điều tra hành vi bán phá giá các mặt hàng tương tự. Thế nhưng cũng giống như các doanh nghiệp ngành thủy sản nhiều năm trước, các doanh nghiệp ngành tôn thép ít tỏ ra quan tâm đến các hồ sơ vụ kiện phòng vệ thương mại. Vì vậy khi chính thức bị điều tra đều khá lúng túng trong quy trình hầu kiện và thường bị áp thuế chống bán phá giá ở mức rất nặng.
Theo hầu hết các chuyên gia lĩnh vực pháp luật, đến thời điểm hiện tại hệ thống thống kê của doanh nghiệp Việt Nam hiện chưa tương thích với thông lệ quốc tế. Thông thường, khi các nước nghi ngờ bán phá giá, họ sẽ mất 3 năm để điều tra. Doanh nghiệp bị kiện phải trả lời một bảng câu hỏi phức tạp liên quan. Nếu không có sự chuẩn bị đầy đủ về hồ sơ thì hết thời hạn sẽ không có đủ bằng chứng và có thể bị chịu mức thuế chống bán phá giá oan ở thị trường nước ngoài.
Để giảm bớt những thiệt hại không đáng có khi tham gia sâu vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng bên cạnh tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng và tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng kiến thức về thương mại quốc tế để chủ động ứng phó với nguy cơ kiện cáo tại các thị trường nhập khẩu. Theo đó, khi xuất khẩu vào các thị trường lớn từng xảy ra các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, doanh nghiệp cần lập ra các bộ phận pháp chế chuyên môn để cập nhật kiến thức về pháp luật phòng vệ thương mại đồng thời thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo và khi bị kiện có thể lập tực tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra để giải quyết các cáo buộc từ khách hàng.