Công nghiệp hậu cần thích ứng với thương mại điện tử
Theo nhận định của các chuyên gia thị trường, thương mại điện tử đang gia tăng sự hiện diện và thay đổi mọi mặt đời sống, nhất là ở các đô thị lớn. Tại Việt Nam đất nước có dân số trẻ và nhạy bén với công nghệ, hứa hẹn sẽ là yếu tố lớn thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng trong lĩnh vực này.
Ảnh minh họa |
Trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, gần như mọi ngành hàng đều chịu ảnh hưởng nặng nề khi phải giãn cách xã hội để chống dịch, thì thương mại điện tử lại có cơ hội tăng thêm khách hàng. Theo đó, thời gian qua đã có nhiều mô hình mới sáng tạo ra đời như đi chợ, đặt hàng sơ chế sẵn từ siêu thị điện tử trên các ứng dụng thương mại điện tử, các ví điện tử của các công ty trung gian thanh toán. Nhu cầu tiêu dùng mới xuất hiện đã buộc các nhà sản xuất hàng hóa, nhất là hàng thiết yếu phải nhanh chóng tìm diện tích kho bãi đáp ứng và xem xét lại mọi mặt của chuỗi cung ứng.
Bà Trang Bùi - Giám đốc bộ phận Thị trường của công ty Jones Lang Lasalle (JLL) Việt Nam cho biết, sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng, kéo theo sự phát triển của thương mại điện tử đã làm tăng cả nhu cầu ngắn hạn và dài hạn đối với bất động sản công nghiệp, ngành hậu cần, logictics… Từ đó, cho phép các công ty giao đơn hàng nhanh hơn bằng cách đặt trụ sở gần hơn với khách hàng. Trên thực tế, thương mại điện tử đang phát triển trong những năm qua đã thúc đẩy nhu cầu về bất động sản công nghiệp và sự gia tăng đột biến trong thời kỳ đại dịch lại càng làm rõ hơn tiềm năng và sự linh hoạt của lĩnh vực thương mại điện tử.
Theo nghiên cứu của JLL Việt Nam, lượng đơn hàng tăng cao đột ngột trong thương mại điện tử buộc các công ty bán hàng online phải giữ nhiều hàng hóa hơn ở những địa điểm kho hàng gần với khu dân cư, nhu cầu kho bãi linh hoạt gia tăng. Khi các đơn hàng tăng cao nhu cầu thuê những nhà kho nằm có diện tích từ 10-15 hecta ở trung tâm đô thị sẽ phát huy điểm mạnh trong việc vận chuyển hàng hóa nhanh trong thời đại dịch. Theo đó, các nhà nghiên cứu thị trường cho rằng, đầu tư kho bãi quy mô nhỏ vào các trung tâm phân phối gần với các bến xe, nhà ga, cảng biển là cách giúp đảm bảo tăng hiệu suất cho thuê kho trong một xu thế thương mại điện tử đang tăng nhanh sẽ tối ưu hóa chuỗi cung ứng
Thực tế, để giảm thiểu rủi ro do chuỗi cung ứng hậu cần bị gián đoạn, nhiều chủ DN sẽ tìm cách giảm sự phụ thuộc vào một công ty hoặc nguồn cung cấp dịch vụ. Đồng thời mở rộng khu vực chuỗi cung ứng để rút ngắn khoảng cách với khách hàng từ khâu đầu đến khâu cuối. Điều này chứng minh rõ nhất khi nhu cầu thị trường đặc biệt cấp thiết trong những giai đoạn lễ hội diễn ra như dịp Lễ Độc thân, Black Friday, dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch và Âm lịch. Đặc biệt, khi các giao dịch thương mại điện tử liên tục bùng nổ với nhiều chương trình khuyến mãi thúc đẩy tiêu dùng qua giao dịch điện tử. Các DN vận chuyển cần xử lý đơn hàng nhanh hơn và hiệu quả hơn để có thể đáp ứng được lượng đặt hàng nhộn nhịp trong những dịp lễ tết.
Gần đây, nhiều DN bắt đầu quan tâm đến mô hình nhà kho linh hoạt, có thể giúp DN tối ưu hóa kho bãi theo mùa. Mô hình này được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng ở Việt Nam, với tên gọi "AirBnB cho logistics" đây là mô hình kinh tế chia sẻ, cho phép các DN có thể tối ưu không gian kho bãi tạm thời khi không có nhu cầu sử dụng sẽ cho thuê lại. Mô hình này giúp các nhà kho chỉ cần sử dụng nhiều không gian trong một mùa cao điểm nhất định, sau đó những mùa thấp điểm DN có thể kiếm lợi nhuận bằng hợp đồng cho thuê lại.
Có thể thấy dịch bệnh đã thay đổi rất nhiều thói quen trong sản xuất kinh doanh, hành vi tiêu dùng, buộc các ngành công nghiệp hậu cần và kho bãi trở thành mảng đầu tư có giá trị, đem lại nhiều lợi nhuận đối với các nhà đầu tư biết nắm bắt cơ hội trong bối cảnh mới.