Tiềm năng nuôi biển của Việt Nam rất lớn
Xuất khẩu thủy sản: Chờ thời cơ để tăng tốc Agribank dành 3.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi chia sẻ khó khăn với lĩnh vực lâm, thủy sản Triển khai nhiều giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản |
Ngày 16/8, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức tọa đàm trực tuyến chủ đề: Phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển - Cơ hội và thách thức.
Tọa đàm trực tuyến chủ đề: Phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển - Cơ hội và thách thức. |
Nghề nuôi biển có nhiều tiềm năng
Với đường bờ biển dài, nhiều eo vịnh, đảo, nước ta có tiềm năng to lớn để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển. Ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ, Việt Nam có 3.260 km bờ biển và 1 triệu km mặt biển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá có khoảng 500.000 ha mặt nước có thể nuôi biển được, nghĩa là tiềm năng nuôi biển về mặt diện tích là rất lớn.
Bên cạnh đó, nuôi biển còn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua hàng loạt các chính sách, chủ trương. Cụ thể, năm 2017 đã có Nghị quyết 09 về phát triển kinh tế biển, rồi Luật Thủy sản được ban hành đã tạo hành lang pháp lý rất lớn để phát triển kinh tế thủy sản.
Theo ông Khôi, đến năm 2018, chúng ta có Nghị quyết số 36 nhấn mạnh đến phát triển kinh tế thủy sản. Năm 2021, Thủ tướng cũng đã phát hành Đề án nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045...
Bà Nguyễn Thị Toàn Thư - Chuyên viên phụ trách lĩnh vực Nuôi trồng thủy sản - Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa có nhiều lợi thế trong nuôi biển, trong đó có 3 vịnh lớn rất thuận lợi để nuôi biển… Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều cơ sở nghiên cứu, viện nghiên cứu chủ động sản xuất được nhiều con giống mới chất lượng, năng suất cao. Nhờ thế mà nghề nuôi biển của tỉnh có nhiều phát triển.
Nghề nuôi biển của tỉnh chiếm trên 50% và đạt trên 20.000 tấn sản phẩm mỗi năm. Các đối tượng chủ yếu là tôm hùm, cá biển. Như tôm hùm, trong thời gian vừa qua, sản lượng tôm của Khánh Hòa chiếm trên 50% sản lượng cả nước, đạt gần 3.000 tấn.
Theo bà Thư, các đối tượng nuôi khác như cá biển như cá vây vàng, tỉnh có một số doanh nghiệp đầu tư nuôi lông bè HDPE công nghệ Na Uy, một số doanh nghiệp này đầu tư công nghệ cao nuôi nhiều. Một số đối tượng khác như cua biển, rong biển… cũng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Trong thời gian qua, tỉnh đã xây dựng Đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao tỉnh đã đề xuất diện tích khoảng 3.300 ha, từ ven bờ đến 3 hải lý và đề xuất thêm vùng mới từ 3-6 hải lý.
Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao đã quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh tại các vùng biển kín, vùng biển hở. Các cơ quan chức năng đang xây dựng các chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi lồng nuôi sử dụng vật liệu truyền thống sang lồng nuôi sử dụng vật liệu mới HDPE.
Bà Thư cho hay, đây là bước đi nhỏ để vươn ra biển lớn, càng vùng biển xa thì rủi ro, thách thức lớn trong quá trình nuôi. Quá trình thí điểm này cũng là quá trình chúng ta hoàn thiện dần mô hình lồng bè, cách nuôi, phương thức nuôi để nuôi biển đạt được hiệu quả cao nhất.
"Đạt được điều này, chúng ta sẽ nuôi biển xa hơn theo quy mô công nghiệp, tạo ra hiệu quả lớn, thực sự trở thành ngành kinh tế lớn của Việt Nam. Hiện nay Đề án đã được tỉnh thông qua và sẽ trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới", bà Thư chia sẻ.
Quy mô nuôi biển còn nhỏ lẻ
Tuy nhiên thực tế cho thấy, quy mô nghề nuôi biển ở nước ta phần lớn là manh mún nhỏ lẻ, diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước.
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, chúng ta có nhiều khó khăn, điều đầu tiên là quy mô sản xuất, 99% số trại nuôi trên biển là quy mô hộ gia đình nên sản xuất phải lo từ cá giống, lồng bè, dịch bệnh, bán cá… Việc đó khiến rủi ro đổ lên đầu người nuôi cá, nếu không may bị bão gây thiệt hại thì các hộ bị thiệt hại nặng và phải lại làm lại.
Bên cạnh đó, do quy mô hộ gia đình nên sức đầu tư vào trại nhỏ, mức độ cơ giới hóa, các tiến bộ kỹ thuật yếu, phần lớn các bè nuôi thủ công, tận dụng các vật liệu, trong đó có vật liệu có thể gây hại môi trường.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn STP Group, cho rằng hiện nay, nuôi trồng thủy sản trên biển còn một số điểm hạn chế như suất đầu tư vật liệu nhựa xanh trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay “bị nhân” vài lần, vấn đề nhận thức còn hạn chế, có những hộ gia đình 3-4 đời nuôi trồng thủy sản trên biển, sản xuất manh mún, vật liệu để nuôi trồng thủy sản thường được làm bằng tre, vật liệu chai, lọ… Đây là yếu tố đã gắn rất lâu đời, việc cải tiến, thay đổi gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Đỗ Văn Kiểm - Giám đốc Kinh doanh thức ăn cá biển - Công ty TNHH De Heus Việt Nam, Việt Nam có đề tài nghiên cứu về thức ăn nuôi biển nhưng chủ yếu là cá biển chứ chưa có các loại thức ăn dành cho những vật nuôi khác. Cá biển hiện cũng chỉ có đề án thức ăn dành cho 3 loại các chính là: cá chẽm, cá chim vây vàng, cá song (cá mú).
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ đang thiếu và yếu, hiện chỉ có một số doanh nghiệp áp dụng được công nghệ vào kiểm soát thức ăn trong nuôi biển nhưng cũng chưa thực sự phát triển rộng rãi. Thời gian gần đây giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục trong khi giá thàng sản phẩm không tăng. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giá thức ăn trong nuôi biển nói riêng.
Từ những hạn chế trên, theo ông Kiểm, Công ty TNHH De Heus Việt Nam đã có nhiều hợp tác với các Viện, các trường đại học cũng như các doanh nghiệp khác để có thể đưa ra những sản phẩm chất lượng, phù hợp với điều kiện vùng nuôi ở Việt Nam.
Về mặt công nghệ, hiện tại do những nhiều nguyên nhân khác nhau mà chúng ta chưa thể áp dụng công nghệ vào nuôi biển tuy nhiên trong tương lai chúng ta có thể hy vọng vào sự thay đổi, đặc biệt khi đưa loại lồng tròn vào nuôi biển.
Ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng hiện nay, quy hoạch không gian biển quốc gia đang bị chậm tiến độ, cho đến nay chúng ta chưa xây dựng xong và chưa ban hành được. Sắp tới, Quốc hội sẽ thảo luận về quy hoạch này, sau khi Quốc hội thảo luận, thông qua thì chúng ta mới có thể có cơ sở để triển khai.