Tiếp tục tăng cường giảm sát các doanh nghiệp bảo hiểm
Tại phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn với lĩnh vực tài chính và ngoại giao.
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định phiên chất vấn đối với lĩnh vực tài chính và lĩnh vực ngoại giao đã kết thúc tốt đẹp.
Qua phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, các bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra.
Về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, cần tìm giải pháp phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế. Đa dạng và chuyên nghiệp hóa kênh phân phối bảo hiểm nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp được tham gia bảo hiểm. Công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm. Thực hiện nghiêm quy định về Luật Kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt là việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức, nhất là việc bán bảo hiểm kèm theo những sản phẩm của ngân hàng. Tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kế toán, kiểm toán, thẩm định giá dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện theo hướng tiếp cận với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Hoàn thiện khung pháp lý đối với lĩnh vực xổ số, đặt cược casino và trò chơi có thưởng.
Tiếp tục xây dựng hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước trong khu vực và thế giới. Đến năm 2025 cơ bản hoàn thành hải quan số, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, 100% các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia…
Về công tác quản lý giá, cần ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giá, nhất là quy định về chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam bảo đảm có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Tăng cường vai trò công tác quản lý giá, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn lực tài chính hợp pháp khác. Chủ động công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá cả thị trường để xây dựng và cập nhật kịch bản lạm phát nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
Chủ động dự báo, có phương án bảo đảm cân đối cung cầu đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải để không xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá…