Tiêu dùng tiếp tục phục hồi tích cực, niềm tin tiêu dùng tăng cao
Sau khi đã trang trải hết các chi phí sinh hoạt thiết yếu, người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các khoản mục lớn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2018 ước tính đạt 350,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 265,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% và tăng 10,9%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 43,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% và tăng 12,3%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, giảm 1,5% và tăng 11,4%; doanh thu dịch vụ khác đạt 38,1 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% và giảm 1,6%.
Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.399,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,5% (cùng kỳ năm 2017 tăng 7,0%).
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 1.060,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,8% tổng mức và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 172 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng mức và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 12,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 26,1% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ khác 4 tháng ước tính đạt 154,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 11% tổng mức và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Điều đó cho thấy tiêu dùng vẫn đang trên đà phục hồi tích cực, một phần do niềm tin tiêu dùng tăng cao, một phần do thu nhập của người dân tiếp tục được cải thiện.
Trong một báo cáo vừa được công bố mới đây, Công ty nghiên cứu Nielsen cũng cho biết, mặc dù chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam giảm 1 điểm trong quý 4/2017 so với quý trước, đạt 115 điểm. Tuy vậy, niềm tin của người tiêu dùng Việt vẫn tiếp tục giữ ở mức cao trong suốt năm 2017, điều đó đã giúp Việt Nam tiếp tục xếp thứ 7 trong số các quốc gia lạc quan nhất toàn cầu, theo Khảo sát Niềm tin Người tiêu dùng Quý 4/2017, được thực hiện bởi The Conference Board® và Nielsen.
Đáng chú ý, theo Nielsen, liên tục trong nhiều năm qua, người tiêu dùng Việt luôn cho thấy rằng sau khi đã trang trải hết các chi phí sinh hoạt thiết yếu, họ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các khoản mục lớn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Gần phân nửa người Việt cho biết họ thường sử dụng tiền nhàn rỗi để mua sắm quần áo mới (49%) và chi tiêu cho các chuyến du lịch (44%). Bên cạnh đó, khoảng 2 trong 5 người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm công nghệ mới (40%), các khoản vui chơi giải trí bên ngoài (41%) và sửa chữa nhà cửa (42%).