Tín dụng chảy mạnh vào khu công nghiệp
Tăng “sức đề kháng” cho khu công nghiệp | |
Cần duy trì lợi thế bất động sản công nghiệp | |
Bình Dương vẫn thu hút mạnh mẽ FDI |
Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, hiện nay có khoảng 4.000 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp – khu chế xuất TP.HCM đang quan hệ vay vốn với các ngân hàng. Dư nợ tín dụng tại các khu công nghiệp – khu chế xuất gắn liền với hoạt động của các ngân hàng ngoại ở Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng tín dụng của khối ngân hàng ngoại vẫn ổn định ở mức 5,35%. Riêng tháng 7/2021, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng ngoại ở TP.HCM lên đến 2,2%, cao nhất so với các nhóm NHTM khác và cũng cao hơn mức tăng tín dụng chung trên địa bàn.
Ảnh minh họa |
Một chuyên gia tài chính cho biết, mặc dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội ở TP.HCM từ cuối tháng 5/2021 đến nay, nhưng tăng trưởng tín dụng của khối ngân hàng nước ngoài ở TP.HCM vẫn khả quan, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn. Trước hết phải khẳng định khu công nghiệp – khu chế xuất là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Những doanh nghiệp này thường vay vốn và sử dụng dịch vụ tài chính của khối ngân hàng ngoại.
Mặc dù cũng chịu tác động không nhỏ từ dịch Covid-19, song trong những tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn duy trì sản xuất để đảm bảo tiến độ giao hàng cho bạn hàng quốc tế. Nhờ đó, doanh nghiệp vẫn duy trì được dòng tiền và hiệu quả hoạt động, tác động hiệu quả đến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong khu công nghiệp – khu chế xuất.
Một số liệu đáng chú ý khác đó là tín dụng ngắn hạn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM hiện chiếm tỷ trọng cao (76,8%) trong tổng dư nợ tín dụng. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với thực tiễn sử dụng vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Có thể khẳng định, dòng tín dụng ngân hàng đã đóng góp hiệu quả vào hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong những tháng đầu năm; qua đó góp phần tích cực vào bức tranh xuất nhập khẩu chung của thành phố.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, trong 8 tháng đầu năm 2021 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của thành phố tăng 0,03% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 4% và nhập khẩu giảm 2,8%. Riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài - động lực chính trong tăng trưởng xuất nhập khẩu của thành phố – có kim ngạch xuất khẩu tăng 12,6% và nhập khẩu tăng 11,1% so với cùng kỳ.
Theo các hiệp hội ngành hàng, từ tháng 8/2021 các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM phải thực hiện yêu cầu “3 tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến” để phòng chống dịch. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như thiết bị khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế cho chống dịch… vẫn đang phải chạy đua với tiến độ để giao hàng cho các nhà nhập khẩu quốc tế. Nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhập khẩu như thịt gia súc, gia cầm… thời gian qua cũng được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chế biến để đáp ứng cho nhu cầu của thành phố.
Theo một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đơn hàng xuất khẩu năm nay không thiếu, chi phí tài chính hiện nay cũng không có khó khăn, tuy nhiên việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cũng gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất và đẩy chi phí sản xuất lên cao, đặc biệt là chi phí logistics. Bởi vậy doanh nghiệp hy vọng thời gian tới sẽ kiểm soát được dịch bệnh thì những khó khăn này sẽ giảm bớt để xuất khẩu tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm.
Trên cơ sở tăng trưởng của những doanh nghiệp như vậy đã tạo động lực cho tăng trưởng tín dụng ngân hàng trong khu công nghiệp – khu chế xuất TP.HCM. Những kết quả này phản ánh tính bền vững trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng ngoại. Theo các chuyên gia ngân hàng, dịch bệnh làm tín dụng chung tăng trưởng chậm lại do sức cầu của nền kinh tế yếu khiến nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp nội địa giảm theo. Tuy nhiên tín dụng trong khu công nghiệp – khu chế xuất của khối ngân hàng ngoại vẫn tăng trưởng ổn định. Điều này thêm một khẳng định về chiến lược phát triển và mở rộng khách hàng, quản trị rủi ro trên nguyên lý tôn trọng các nguyên tắc về tiêu chuẩn tín dụng khối ngân hàng ngoại trong quá trình khai thác và sử dụng vốn.