Tăng “sức đề kháng” cho khu công nghiệp
Tăng tốc xét nghiệm, truy vết
Trong “làn sóng Covid-19 lần thứ 4” tại TP. Đà Nẵng, một trong những mối lo của nhiều người chính là sự bùng phát của đại dịch ở các khu công nghiệp (KCN). Bởi, đây là môi trường tập trung rất đông người, dễ lây lan, bùng phát Covid-19. Trên thực tế hiện nay, chính quyền địa phương lẫn các cơ quan chức năng ở địa phương đang tăng “sức đề kháng” với Covid-19 trong các KCN...
Ngay sau khi ghi nhận các ca mắc Covid-19 tại một số KCN trên địa bàn, cơ quan chức năng ở Đà Nẵng đã tăng tốc thực hiện công tác truy vết, cách ly, và xét nghiệm trên diện rộng. Công tác phòng, chống đại dịch tại nhiều KCN trên địa bàn thành phố, được nâng cảnh báo ở cấp độ cao hơn khi một số doanh nghiệp có công nhân là những trường hợp F1, F2...
Theo đó, kể từ thời điểm có ca lây nhiễm Covid-19 tại Công ty TNHH điện tử Việt Hoa (KCN Hòa Khánh), các cơ quan chức năng đã tiến hành xét nghiệm cho nhiều người lao động ở đây. Qua công tác xét nghiệm, sàng lọc đến nay cơ quan chức năng địa phương đã phát hiện nhiều trường hợp bị lây nhiễm liên quan đến Công ty TNHH điện tử Việt Hoa. Điều đáng mừng, do khoanh vùng, truy vết từ sớm nên đa số các ca nhiễm đã được cách ly tập trung. Trước đó, CDC Đà Nẵng phối hợp với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cùng các doanh nghiệp cũng đã xét nghiệm cho hàng nghìn công nhân ở trong KCN Hòa Khánh.
Đà Nẵng đang nỗ lực đẩy lùi Covid-19 trong các KCN |
Tương tự, sau khi phát hiện hai ca mắc Covid-19 tại Công ty VNPT - NET3 ở KCN An Đồn, nằm trên địa bàn quận Sơn Trà, lực lượng chức năng cũng đã nhanh chóng thực hiện các công tác phòng dịch theo quy định. Trong đó, tất cả các nhân viên, công nhân trong khu vực liên quan đều đã được hướng dẫn thực hiện các bước xét nghiệm, cách ly. Qua công tác điều tra, truy vết đã xác định được 234 F1 và đều được cách ly ngay. Lực lượng chức năng cũng đã phun thuốc khử trùng toàn bộ doanh nghiệp có ca nhiễm và yêu cầu các doanh nghiệp khác trong KCN An Đồn phải áp dụng nghiêm ngặt hơn các biện pháp theo quy định.
Anh Nguyễn Tấn Ban, một công nhân trong KCN này chia sẻ, khi nghe trong KCN có ca lây nhiễm chúng tôi cũng rất lo lắng. Tuy nhiên, sau đó mọi người đều bình tĩnh, nghiêm túc thực hiện công tác cách ly, xét nghiệm theo đúng yêu cầu của cơ quan chức năng. Bởi, có như vậy mới mong tình hình sớm được ổn định, công việc sớm trở lại bình thường, tránh được tình trạng thất nghiệp trong tình hình khó khăn chung như hiện nay.
Trên địa bàn TP. Đà Nẵng, hiện có 6 KCN và Khu công nghệ cao với 490 doanh nghiệp và hơn 77 nghìn công nhân. Ông Phạm Trường Sơn - Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho biết, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các KCN trên địa bàn đã và đang triển khai trên tinh thần thực hiện nghiêm các quy định, tập trung và huy động sức lực cả hệ thống. Từ năm 2020, ban quản lý đã tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp. 100% các doanh nghiệp đã triển khai Tổ giám sát Covid-19 cộng đồng, thực hiện khai báo y tế và ký cam kết phòng, chống dịch đại dịch.
Thực hiện mô hình “3 tại chỗ”
Trên thực tế, ở Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, các doanh nghiệp trong các KCN đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép. Nhiều công ty đã chủ động thích ứng với diễn biến Covid-19 thông qua việc vừa sản xuất, vừa chống dịch. Trong đó, hoạt động sản xuất tại các KCN trên địa bàn đang tiếp cận nhanh và hiệu quả với mô hình “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, ngủ tại chỗ). Mô hình này đã và đang được các doanh nghiệp bắt tay tổ chức thực hiện. Gắn sản xuất, kinh doanh với bảo đảm việc làm, đời sống, sức khỏe của người lao động ngay trong thời điểm đại dịch Covid-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay.
Tại TP. Đà Nẵng, Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Đà Nẵng Sunshine, thuộc Công ty Universal Alloy Corporation (UAC), trong Khu Công nghệ cao Đà Nẵng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên áp dụng mô hình “3 tại chỗ”. Theo đó, khi phát hiện một công nhân mắc Covid-19 doanh nghiệp đã nhanh chóng triển khai phương án “3 tại chỗ”. Khi xuất hiện 1 ca dương tính với SARS-CoV-2, công ty đã nhanh chóng áp dụng các biện pháp phòng dịch, thực hiện xét nghiệm cho toàn bộ gần 700 lao động, thực hiện phun khử toàn bộ nhà máy. Sau khi xét nghiệm, đánh giá nguy cơ lây nhiễm, hơn 100 F1, trong đó 61 người được đưa đến các khu cách ly tập trung và 50 người khác ít nguy cơ hơn được công ty áp dụng mô hình “3 tại chỗ”.
Được biết, những công nhân thuộc công ty đang thực hiện mô hình này khi đi vào nhà máy sản xuất cũng sẽ có lối đi riêng và khu vực làm việc riêng để đảm bảo không ảnh hưởng đến những người khác. Chỗ nghỉ của những công nhân này cũng thường xuyên được tiến hành khử khuẩn, bảo đảm an toàn. Theo ông Bota Ciprian Vasile - Giám đốc sản xuất UAC, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng quy mô của mô hình “3 tại chỗ” này, áp dụng cho toàn bộ nhân viên, người lao động của công ty để đảm bảo an toàn cho người lao động và chuỗi sản xuất không bị ảnh hưởng.
Tương tự, cũng sẵn sàng áp dụng mô hình “3 tại chỗ”, nhiều doanh nghiệp ở Đà Nẵng đang lên phương án, bắt tay thực hiện để bảo đảm vừa sản xuất, vừa chống dịch một cách có hiệu quả. Trong đó, có Công ty TNHH Daiwa Việt Nam chuyên sản xuất các dụng cụ thể thao ở KCN Hòa Khánh. Theo đại diện Daiwa Việt Nam, ngay khi xuất hiện ca mắc Covid-19 trong KCN, công ty đã kích hoạt phương án sản xuất kinh doanh “3 tại chỗ”. Các hoạt động đều theo quy trình khép kín, người lao động ở phân xưởng nào sẽ ăn, ở, làm việc tại phân xưởng đó. Công nhân ra vào xưởng hàng ngày đều đo nhiệt độ, xịt khử khuẩn. Công ty đã liên hệ với các nơi cung ứng lương thực thực phẩm, đồ dùng, thiết bị cá nhân, nếu cần sẽ có đơn vị cung cấp tận nơi. Bên cạnh, công ty cũng chia thời gian ăn, nghỉ của công nhân ra nhiều đợt để giãn cách. Các khu vực bàn ăn đều có các tấm chắn, ngăn cách hạn chế tiếp xúc gần...
Đến nay, có thể khẳng định việc mô hình “3 tại chỗ” là cách làm rất phù hợp, đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh dịch phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình bên cạnh những nỗ lực của các doanh nghiệp, rất cần thêm sự hỗ trợ của cơ quan chức năng hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đảm bảo, hiệu quả. Bên cạnh đó, là ý thức của người lao động, những người trực tiếp tham gia thực hiện mô hình. Có như vậy, chúng ta mới thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa sản xuất kinh doanh vừa đẩy lùi đại dịch Covid-19.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)