TP. Hồ Chí Minh: Đối thoại về bảo hiểm xã hội
Tại Hội nghị Đối thoại giữa Doanh nghiệp và Chính quyền Thành phố lần thứ 243 về lĩnh vực Bảo hiểm xã hội diễn ra ngày 11/04/2024, ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố cho biết, bảo hiểm xã hội Thành phố là thành viên của Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền Thành phố và đã gắn bó kể từ khi Hệ thống được thành lập.
Hội nghị Đối thoại giữa Doanh nghiệp và Chính quyền Thành phố lần thứ 243 về lĩnh vực Bảo hiểm xã hội |
Tính từ năm 2009 (15 năm) đến nay, Bảo hiểm xã hội Thành phố phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) tổ chức hơn 23 Hội nghị đối thoại trực tiếp và trực tuyến, thu hút hơn 5.700 doanh nghiệp (7.640 người) tham dự và trả lời hơn 2.180 câu hỏi của doanh nghiệp. Đối thoại lĩnh vực bảo hiểm xã hội luôn nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp, đã có hơn 420 doanh nghiệp đăng ký tham dự
Tại Hội nghị, đại diện Công ty TNHH MTV Dịch vụ Kỹ thuật Trung Nam (Phường 15, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh) đặt ra câu hỏi: khi doanh nghiệp khó khăn tài chính, chậm thanh toán bảo hiểm xã hội (BHXH) từ 30-90 ngày, chỉ đủ khả năng thanh toán trước chi phí bảo hiểm y tế (BHYT) cho người lao động, thì cơ quan BHXH có hướng hỗ trợ như thế nào cho doanh nghiệp với tình hình sức khoẻ tài chính chung hiện nay của các đơn vị chậm đóng BHXH?
Doanh nghiệp hiện nay nhìn chung có tình hình sức khoẻ tài chính không tốt |
Doanh nghiệp này cũng đề nghị BHXH Thành phố cho phép trích đóng và gia hạn thời gian hưởng chế độ BHYT theo từng tháng, gia hạn thời gian chậm thanh toán quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 90 ngày, tiếp nhận xử lý riêng lẻ hồ sơ cho các trường hợp hưởng chế độ. Nghĩa là đơn vị chỉ hoàn thành tiền chậm đóng cho riêng người lao động để quản lý thu có căn cứ tiếp nhận xử lý hồ sơ.
Đây cũng là vấn đề nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh quan tâm do thời gian qua tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn khiến cho doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm sút, thậm chí đối mặt với nguy cơ phá sản. Vì vậy việc chậm đóng BHXH đã và đang diễn ra ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động.
Đối với vấn đề thực tế này, ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng, BHXH là cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ thực hiện chính sách BHXH, BHYT, do đó, không có thẩm quyền giải quyết việc chậm đóng cho doanh nghiệp
Hiện nay, dữ liệu thẻ BHYT được quản lý tập trung và liên thông với dữ liệu thu. Các cơ sở khám, chữa bệnh khi tiếp nhận thẻ BHYT của bệnh nhân đến khám bệnh thực hiện tra cứu thông tin về dữ liệu thẻ BHYT trên Cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định BHYT để xác định giá trị sử dụng của thẻ BHYT. Do đó, đơn vị cần đóng tiền BHYT hàng tháng để thẻ có giá trị sử dụng liên tục.
Với những doanh nghiệp, công ty chậm đóng đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ… nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì doanh nghiệp có trách nhiệm đóng đủ các loại bảo hiểm này, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.
Còn đối với trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ… sau khi thu hồi được số tiền đơn vị chậm đóng, xác nhận bổ sung trên sổ BHXH để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Công ty TNHH Quốc Chinh (đường Lý Thái Tổ, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh) nêu ý kiến: mức trích đóng BHXH bắt buộc như hiện tại là quá cao và rất thiếu linh hoạt cho từng nhóm ngành nghề. Ví dụ như khi doanh nghiệp thuê công nhân tăng cường chỉ từ 3-6 tháng theo mùa trong năm, với mức lương từ 5-6 triệu tháng, nhưng phải trich đóng gần 2 triệu/tháng là bất hợp lý. Hay như hàng trăm ngàn người hành nghề lái xe công nghệ, nhưng vì chính sách BHXH cứng nhắc, khiến cho nhóm đối tượng này hầu như không thể tham gia BHXH bắt buộc.
Vì vậy, doanh nghiệp đề nghị phải có giải pháp khả thi sao cho tất cả thành phần làm công ăn lương có thể tham gia BHXH.
Theo Bảo hiểm Xã hội TP. Hồ Chí Minh, bảo hiểm xã hội là chính sách an sinh xã hội do Nhà nước quy định, tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia (theo khoản 2 Điều 3 Luật BHXH 2014) nhằm mục đích chăm sóc sức khỏe, đảm bảo thu nhập cho người tham gia khi không may xảy ra các biến cố do ốm đau, bệnh tật, thai sản, mất việc làm, già yếu....
Khi người tham gia BHXH bắt buộc sẽ được hưởng 05 chế độ tương ứng với 5 quyền lợi khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Người đóng bảo hiểm cũng được hưởng quyền lợi BHYT, trợ cấp thất nghiệp khi không may mất việc làm, gặp vấn đề sức khỏe sẽ giảm đi gánh nặng gia đình, nhất là bộ phận yếu thế,…
Chính vì vậy, là doanh nghiệp sử dụng lao động, các đơn vị cần hiểu rõ chính sách để thực hiện trích nộp đầy đủ, vừa góp phần chung tay đảm bảo an sinh xã hội, vừa là nền tảng thu hút nguồn lực lao động phát triển doanh nghiệp bền vững.
Đối với người hành nghề mang tính đặc thù riêng và mới phát triển sau này như lái xe công nghệ (không giao kết HĐLĐ), thì hiện nay các Bộ, ngành đang nghiên cứu, bổ sung để có chính sách BHXH phù hợp hơn cho người lao động đảm bảo quyền lợi chính đáng.