TP. Hồ Chí Minh: Thưởng Tết Nguyên đán cho người lao động bình quân 12,7 triệu đồng
Trên đây là kết quả tổng hợp từ báo cáo tình hình tiền lương năm 2024 và kế hoạch thưởng cho người lao động trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của 1.570 doanh nghiệp (sử dụng 310.444 lao động) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Đối với Tết Dương lịch năm 2025, tiền thưởng đạt bình quân khoảng 3,4 triệu đồng/người, thấp hơn so với kết quả khảo sát của năm 2024 (4,7 triệu đồng/người).
Chế biến lương thực, thực phẩm là một trong những ngành có mức thưởng Tết Nguyên đán 2025 cao trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh |
Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thống kê cho thấy mức thưởng cao nhất thuộc về doanh nghiệp ngành điện tử - công nghệ thông tin; chế biến thực phẩm; phát triển phần mềm; thương mại... Các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, các doanh nghiệp sử dụng lao động giản đơn có mức thưởng thấp hơn.
Có 737/1570 doanh nghiệp (chiếm 47%) cho biết ngoài tiền thưởng Tết cho người lao động, các doanh nghiệp còn có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực khác như: tặng quà Tết, phiếu mua hàng, lì xì, tổ chức xe đưa đón hoặc hỗ trợ tiền tàu xe, tặng vé xe... Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có kế hoạch tổ chức tất niên và thăm hỏi người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn, tổ chức đón Tết cho người lao động chưa có điều kiện về quê trong dịp này.
Tuy vậy, trong kế hoạch thưởng Tết năm 2025, có 394/1.540 doanh nghiệp (chiếm 25%) thông tin gặp khó trong việc thưởng Tết cho người lao động. Nguyên nhân là do hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm còn nhiều khó khăn, đơn hàng giảm, doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động, khó thu hồi công nợ, trả tiền lãi vay... ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cả năm và việc dự kiến thưởng. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp đều quan tâm, chia sẻ, cố gắng thực hiện thưởng Tết cho người lao động theo quy chế thưởng, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động.
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động, việc làm, quan hệ lao động trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh Xã hội thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động, Bảo hiểm Xã hội, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, UBND quận, huyện tăng cường giám sát, kịp thời tìm hiểu, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn… Nhất là đối với các doanh nghiệp chậm trả lương, nợ bảo hiểm xã hội, gặp khó khăn về đơn hàng, phải cắt, giảm việc làm của người lao động; rà soát, thực hiện đúng các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động, các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của doanh nghiệp, nhất là các nội dung về tiền lương, tiền thưởng, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và các chế độ phúc lợi khác đối với người lao động theo quy định.