TP.HCM: Phát triển không gian ngầm phục vụ dịch vụ giải trí
Trong những ngày qua, trục đường từ Công viên 23/9 qua chợ Bến Thành tới đại lộ Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Nhà hát Thành phố và đến Ba Son, một số đoạn đã mở rào chắn thi công tuyến metro số 1 khiến người dân bất ngờ với không gian đường phố trung tâm TP.HCM mang vóc dáng rất mới mẻ. Khu trung tâm TP.HCM dần hé lộ quy hoạch đồng bộ, hiện đại với phố đi bộ và khu trung tâm mua sắm phía trên, bên dưới là tầng ngầm mà cơ sở hình thành ban đầu sẽ là các nhà ga metro ngầm.
Những không gian ngầm đều có giá trị hữu dụng đối với các khu vực xung quanh |
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 và Quy chế quản lý không gian kiến trúc cảnh quan khu trung tâm hiện hữu đã được phê duyệt, đường Lê Lợi sẽ trở thành trục thương mại với mật độ cao, dành nhiều không gian cho người đi bộ. Trục đường này sẽ tiếp nối phố đi bộ Nguyễn Huệ, kết hợp với vòng xoay trước chợ Bến Thành hình thành quảng trường đi bộ, mở rộng sang hướng Đông phía sau Nhà hát Thành phố.
Để vừa tạo điểm nhấn về mặt cảnh quan, phân tách không gian sử dụng, vừa đảm bảo về mặt giao thông, tuân thủ quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo TP.HCM là đảm bảo tầm nhìn thông thoáng từ phía tượng đài Bác về hướng sông Sài Gòn, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM đã trình dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc TP.HCM để lấy ý kiến của các sở ngành. Một trong những nội dung nổi bật là không gian ngầm khu vực trung tâm TP.HCM có quảng trường, bãi đậu xe ngầm, hoạt động thương mại, kết nối Nhà hát TP.HCM với công viên dọc bờ sông Sài Gòn...
Theo đó, không gian bên dưới đường Nguyễn Huệ sẽ có tầng hầm đầu tiên dành cho thương mại dịch vụ, và hai hoặc ba tầng hầm tiếp theo sẽ là các tầng giữ xe. Tầng hầm thứ nhất tạo hành lang cho người đi bộ, kết nối giữa Nhà hát Thành phố và công viên dọc sông Sài Gòn. Ở tầng hầm này còn có quảng trường và các cửa hàng bán lẻ tại các giao lộ, để người tham quan khỏi bị mất phương hướng.
Ở khu vực công viên Bến Bạch Đằng có bãi đậu xe công cộng ngầm đường Tôn Đức Thắng, nằm cách công trường Mê Linh khoảng 100m về phía nam đường Ngô Văn Năm, dọc theo đường phụ Tôn Đức Thắng.
Hiện tại, công tác lập thiết kế quy hoạch tại khu vực nhà ga Bến Thành (bao gồm khu trung tâm thương mại ngầm dưới chợ Bến Thành) là nhiệm vụ cấp bách mà Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM đang thực hiện. Theo đó, Sở đang hướng tới thiết kế mang tính kết nối đồng bộ không gian ngầm tại khu vực nhà ga trung tâm Bến Thành (gồm phần nhà ga trung tâm, không gian thương mại ngầm dưới quảng trường Quách Thị Trang, dưới chợ Bến Thành) với phần ngầm Công viên 23/9, các hành lang kết nối tầng hầm của những công trình cao tầng lân cận...
Việc nghiên cứu không gian ngầm với quy mô 9,28 ha sẽ lấy chợ Bến Thành là trung tâm, phạm vi ranh quy hoạch bao gồm khu vực nhà ga trung tâm Bến Thành (quảng trường Quách Thị Trang), tiếp nối đường Lê Lợi (đoạn giữa nhà ga Bến Thành và ga Nhà hát Thành phố), khu vực chợ Bến Thành (bên dưới chợ Bến Thành, nghiên cứu mở rộng thêm không gian ngầm 2 tuyến đường Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh bên hông chợ Bến Thành).
Về quy hoạch chi tiết không gian ngầm, công trình ngầm bên dưới quảng trường Quách Thị Trang cũ gồm 4 tầng, trong đó tầng ngầm 1 (kết nối tầng ngầm bên dưới đường Lê Lợi) có chức năng là quảng trường ga trung tâm và khu trung tâm thương mại; tầng ngầm 2, 3 và 4 là các khu đón tàu, chuyển tàu và bộ phận kỹ thuật của nhà ga. Công trình ngầm (1 tầng) bên dưới đường Lê Lợi đoạn tiếp nối từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố (phần không gian bên trên tuyến đường sắt đô thị số 1) có chức năng là trung tâm thương mại ngầm. Ngoài các công trình ngầm theo đồ án quy hoạch được duyệt, sở đề xuất công trình ngầm bên dưới chợ Bến Thành (mở rộng bên dưới các tuyến đường xung quanh chợ Bến Thành như đường Phan Bội Châu và đường Phan Chu Trinh) với chức năng thương mại…
Các chuyên gia kiến trúc cho rằng những không gian ngầm đều có giá trị hữu dụng đối với các khu vực xung quanh, là động lực để phát triển kinh tế. Vấn đề là cần đẩy nhanh các bước triển khai chi tiết. Hiện tại, dịch vụ thương mại, hoạt động giao thông hay tất cả dịch vụ khác trên diện tích khu đô thị cũ đến nay đã quá tải.
“Không gian ngầm không chỉ đơn thuần là đường kết nối metro, kết nối giao thông công cộng, mà còn phục vụ đa dạng nhu cầu giải trí của người dân thông qua việc tổ chức, phát triển các dịch vụ thương mại, khu sinh hoạt cộng đồng… giống như một khu đô thị dưới lòng đất. Không gian ngầm sẽ là một diện mạo mới cho sự phát triển đô thị ở TP.HCM, các loại hình dịch vụ, thương mại sẽ là điểm trọng tâm cho việc quy hoạch sắp tới”, đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM nói.