![]() |
Ảnh minh họa. |
Thất nghiệp vì thiếu kỹ năng
Đây là vấn đề được các chuyên gia thảo luận tại chương trình đối thoại "Sự tham gia của doanh nghiệp trong việc phát triển kỹ năng việc làm cho lao động trẻ", do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UNICEF Việt Nam tổ chức ngày 27/9, tại Hà Nội.
Theo nghiên cứu “Đánh giá thiếu hụt về kỹ năng nghề nghiệp và thực hành tốt của doanh nghiệp để nâng cao tay nghề cho thanh thiếu niên yếu thế và dễ tổn thương” do VCCI và UNICEF thực hiện, trên toàn cầu, kỹ năng mềm ngày càng trở nên giá trị và cần thiết hơn so với kỹ năng thuộc về kỹ thuật do ảnh hưởng của số hóa và tự động hóa. Thế nhưng, nhiều thanh niên tại Việt Nam thiếu các kỹ năng số và kỹ năng chuyển đổi. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng đối với giới trẻ từ 15-18 tuổi.
Hệ quả là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi từ 15-24 tuổi là 8,48%; trong đó tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 11,91%, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký VCCI cho biết.
Chỉ ra nguyên nhân, một chuyên gia cho rằng do khả năng tiếp cận giáo dục sau phổ thông thấp. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy chỉ có 1 trong số 4 người lao động hoàn thành chương trình giáo dục nghề nghiệp hoặc giáo dục đại học khiến tỷ lệ nhập học sau phổ thông của Việt Nam chỉ đạt 28,6%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ nhập học trung bình là 55,1% ở các nước có thu nhập trung bình cao.
Về trình độ kỹ năng, chỉ có 11% lực lượng lao động ở Việt Nam có bằng cấp sau phổ thông. Nếu trình độ học vấn tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại, tỷ trọng lao động có bằng cấp sau phổ thông sẽ chỉ tăng tối đa tới 15% vào năm 2050, kém xa các quốc gia tương đương khác trong khu vực ASEAN.
Nâng cao vai trò đào tạo của doanh nghiệp
Do đó, việc xây dựng các kỹ năng mềm từ khi còn trẻ cho người lao động, ví dụ như kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, làm việc nhóm và giao tiếp, giúp thanh niên trở thành những người có khả năng thích ứng và linh hoạt, đồng thời bổ trợ quan trọng cho các kỹ năng cụ thể trong công việc là vô cùng cần thiết, bà Lesley Miller, Phó Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam khẳng định.
Để hỗ trợ lao động trẻ nâng cao kỹ năng, NICEF đã thiết kế và thử nghiệm các phương pháp tiếp cận đổi mới sáng tạo liên quan đến các kỹ năng học tập, phát triển nghề nghiệp, cơ hội nghề nghiệp và việc làm tốt, dựa trên các thông lệ quốc tế tốt. Những nội dung này đều có thể được mở rộng trên quy mô lớn hơn, điều này góp phần chuẩn bị tốt hơn cho khoảng 1,6 triệu thanh niên Việt Nam tham gia lực lượng lao động hàng năm, mà phần lớn những thanh niên này hiện không có hoặc thiếu kỹ năng làm việc.
Bên cạnh đó, cần tăng cường trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình đào tạo kỹ năng cho lao động trẻ. PGS.TS. Nguyễn Thị Thuận cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra những chính sách thúc đẩy nâng cao kỹ năng cho người lao động, nhất là lao động trẻ. Nhà nước đầu tư kinh phí để xây dựng "ngân hàng" bài giảng, đào tạo đội ngũ giảng viên; thiết lập hệ thống kiểm tra, đánh giá, cấp văn bằng/chứng chỉ. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng cần tham gia vào quá trình đào tạo kỹ năng cho lao động.
Chia sẻ kinh nghiệm của Liên minh châu Âu (EU) trong việc nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong xác định và nâng cao các kỹ năng lao động, PGS.TS. Nguyễn Thị Thuận cho biết, EU đã thử nghiệm trên mẫu gồm 219 nghề và 20 nhóm lĩnh vực với sự tham gia của nhiều nhà khoa học/chuyên môn, các cơ sở giáo dục, các doanh nghiệp và đại diện người lao động. Trong đó, doanh nghiệp là một trong những đơn vị đóng vai trò quan trọng nhất trong việc phát triển kỹ năng có thể chuyển đổi, mặc dù họ tập trung chủ yếu vào các kỹ năng có thể áp dụng và chuyển giao trong doanh nghiệp.
Cùng chung nhận định trên, bà Lesley Miller khẳng định, với sự hỗ trợ phù hợp từ các doanh nghiệp, thanh niên có thể đóng góp với khả năng sáng tạo đáng kinh ngạc, năng lượng tươi mới và các giải pháp đổi mới sáng tạo để giải quyết những thách thức lớn nhất trên thế giới.
Để thu hút doanh nghiệp tham gia lĩnh vực phát triển kỹ năng nghề, các chuyên gia cho rằng cần cải thiện giáo dục và đào tạo để thanh niên hoàn thành chương trình, bằng cấp giáo dục sau phổ thông đáp ứng nhu cầu kỹ năng của các nhà tuyển dụng; nâng cao kỹ năng và đào tạo lại kỹ năng cho lực lượng lao động hiện tại để họ có thể đóng góp một cách có hiệu quả trong suốt thời gian làm việc; đào tạo sinh viên và người lao động bốn bộ kỹ năng mới để giúp tăng năng suất và năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, tăng cường liên kết ngành và doanh nghiệp là một cách hiệu quả để cải thiện mức độ phù hợp của các chương trình giáo dục sau phổ thông và đáp ứng nhu cầu kỹ năng của doanh nghiệp cũng như tạo cơ hội thực tập cho sinh viên đại học tại các doanh nghiệp; doanh nghiệp và trường đại học cần có sự trao đổi, tham vấn thường xuyên để đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu kỹ năng đang thay đổi...
Hương Giang
Nguồn: