![]() |
Đâu là nguyên nhân dẫn đến thất bại của doanh nghiệp khởi nghiệp? |
![]() |
Nhiều cơ hội rộng mở cho startup Việt hóa “kỳ lân” |
Khởi nghiệp bên lũy tre làng
Năm 2022, “dư âm” của đại dịch Covid-19 và những bất ổn về chính trị tại một số quốc gia trên thế giới đã tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp Việt Nam. Thế nhưng, trong hoàn cảnh khó khăn đó, một lần nữa tinh thần, bản lĩnh Việt của cộng đồng doanh nghiệp trong nước lại được tôi luyện, “ngược gió” phát triển mạnh mẽ hơn trong gian khó...
![]() |
Nhiều doanh nghiệp đang ngày đêm nỗ lực vươn ra thế giới |
Thực tế, trong khoảng thời gian vừa qua, dù khó khăn bủa vây song, không ít doanh nghiệp Việt vẫn “hóa rồng”, gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. Trong số đó có thể kể đến những thương hiệu như, Viettel, Vinamilk, VinFast, Thaco, TH hay gạo ST25… Điều đáng nói, bên cạnh những doanh nghiệp lớn có được “giấy thông hành”, vươn ra thị trường thế giới, còn có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ cũng làm được điều tương tự. Họ âm thầm nỗ lực từng ngày, từng giờ để gây dựng hình ảnh, tên tuổi của mình ở thị trường quốc tế. Từ lũy tre làng lặng lẽ vươn ra thế giới...
Cùng với hai đầu đất nước, ở khúc ruột miền Trung, trải qua bao thăng trầm, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân vẫn ngày đêm gõ cửa thị trường thế giới, làm giàu chính đáng bằng bàn tay và khối óc của mình, tự tin đưa sản phẩm “Made in Vietnam” đến với những thị trường khó tính nhất thế giới... Đến nay, hẳn nhiều người đã biết đến ChicnChill - thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ cói xiên đan lát được thành lập bởi anh Trần Tuấn Dũng, một người con của quê hương cát trắng Quảng Bình. Dũng chia sẻ: “Tôi yêu thiên nhiên Việt Nam. Yêu những bàn tay đan lát của nghệ nhân Việt. Và tôi muốn mang tình yêu này, vẻ đẹp này đến nhiều hơn những ngôi nhà, nơi làm việc, không gian thư giãn. Đó cũng là lý do thương hiệu đồ trang trí nội thất đan lát Chicnchill ra đời…”.
Những ngày đầu, anh Trần Tuấn Dũng và cộng sự gặp không ít khó khăn do thiếu nhân lực, thách thức về tài chính, kiến thức vận hành, tìm hiểu thị trường và đặc biệt thị hiếu của khách hàng cùng với đó là vô số những khó khăn không tên khác. Trong cái rủi có cái may, khi phần lớn doanh nghiệp phải thu mình “tránh dịch”, lại là cơ hội để ChicnChill vượt khó. Bởi, thời điểm giãn cách xã hội được áp dụng, mọi người đều phải ở nhà cũng chính là lúc xu hướng mua sắm đồ nội thất, trang trí nhà cửa “lên ngôi”. Từ đó, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của cơ sở đã có đất sống và ngày càng phát triển. Những chiếc đĩa, chiếc giỏ đan cói xiên của ChicnChill mang lại cảm nhận về sự chỉn chu, kỳ công và tinh xảo từ những đôi tay nghệ nhân làng Việt. ChicnChill sẵn sàng xuất cảng và đặt chân đến thị trường quốc tế từ năm 2020 ngay trong giai đoạn “bão dịch” hoành hành.
Cũng rất đáng tự hào khi ở vùng cát trắng Quảng Bình, một vùng quê nghèo lại sản xuất ra sản phẩm có giá trị kinh tế, đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu, vươn ra thị trường thế giới, là câu chuyện muối tre Kosal ở huyện Bố Trạch. Chia sẻ về việc bén duyên với nghề chế biến muối tre, ông Hoàng Duy Hải - Giám đốc Công ty TNHH Bio Korea Việt Nam, Chi nhánh Quảng Bình cho biết, tình cờ biết được câu chuyện sản phẩm muối được nung trong ống tre đang là sản phẩm tốt cho sức khỏe, được người tiêu dùng ưa chuộng. “Thấy nguyên liệu ở nước mình, địa phương mình có sẵn lại dồi dào, tôi nghĩ tại sao mình không thử làm?... Hai nguyên liệu chính để làm ra muối tre đều có sẵn từ các vùng quê Quảng Bình. Muối được nhập về từ Quảng Trạch. Tre được tìm mua từ các huyện Lệ Thủy, Tuyên Hóa, Minh Hóa”, ông Hải hào hứng nhớ lại.
Để sản xuất ra 1,5 tạ muối tre, cần 1 tấn muối và 20 cây tre tươi trên 3 năm tuổi. Quy trình tinh chế muối tre trải qua nhiều công đoạn nghiêm ngặt, công phu. Muối làm sạch theo công nghệ tiên tiến; đổ đầy muối vào ống tre, bịt kín hai đầu ống bằng đất sét vàng; đặt các ống tre có muối vào lò nung đốt cháy trong vòng 8-15 giờ. Tre cháy thành tro, các khoáng chất của tre ngấm vào muối, muối tan chảy rồi đông cứng lại thành các cột cứng; đem những cột muối cứng nghiền thành bột; muối nghiền xong lại được nhồi vào ống tre đem nung lại; lần lượt như nhiều lần qua lò nung. Sau khi tinh chế, muối tre có chứa các khoáng chất phong phú, chất lượng cao, 100% tự nhiên. Sản phẩm tốt, an toàn cho sức khỏe con người.
![]() |
“Đem chuông đi đánh xứ người”
Đã có được những sản phẩm tinh túy, chất lượng, song làm sao để doanh nghiệp Việt từ lũy tre làng vươn ra thị trường thế giới? Đó luôn là câu hỏi khiến các nhà quản lý, doanh nghiệp và không ít doanh nhân trăn trở, âu lo. Câu trả lời là phải nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định thương hiệu từ phía doanh nghiệp cộng với những hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu của cơ quan chức năng để sản phẩm “Made in Vietnam” vươn xa...
Trong đó, mỗi doanh nghiệp là một câu chuyện, mỗi doanh nhân lại có những hướng đi riêng. Nhưng, kết quả cuối cùng sẽ hòa chung vào thương hiệu của cả một quốc gia... “Đem chuông đi đánh xứ người”, anh Trần Tuấn Dũng và đội ngũ cộng sự ở ChicnChill dành ra nhiều thời gian tìm tòi trên các website, về thị hiếu ở thị trường Âu, Mỹ, nghiên cứu và phân tích các xu hướng trang trí nhà cửa từ các vật liệu thiên nhiên. Từ đó, xác định dòng sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp, kết hợp yếu tố bản sắc Việt trong chất liệu phối hợp để tự tin bước chân vào những thị trường khó tính.
Thời gian đầu, dù có nhiều nỗ lực, song việc kinh doanh của ChicnChill vẫn không như kỳ vọng. Tuy nhiên, thất bại đã đổi lấy kinh nghiệm, anh Dũng quyết định đưa sản phẩm của mình “lên sàn” thương mại điện tử. Kể từ đó, “quả ngọt” đã bắt đầu đến với ChicnChill. Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Cỏ cây, mây tre Việt qua các sản phẩm thủ công trang trí ChicnChill đã được thị trường thế giới đón nhận và yêu thích. Trong đó, vào những dịp lễ tết, tốc độ tăng trưởng doanh thu ghi nhận những con số rất ấn tượng. Và đến nay, sản phẩm của ChicnChill đã chinh phục được những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, sắp tới đây là Vương quốc Anh và EU... Khởi nghiệp bên lũy tre làng, ChicnChill đã có doanh thu ấn tượng, đồng thời tạo công ăn việc làm cho hàng trăm thợ thủ công ở nhiều làng nghề.
Quay trở lại câu chuyện của muối tre Kosal, để ra thành phẩm đạt yêu cầu cao của các đối tác nước ngoài, đặc biệt tại Hàn Quốc - một thị trường rất ưa chuộng sản phẩm này, ông Hoàng Duy Hải và các cộng sự đã phải vừa làm vừa khám phá, đáp ứng yêu cầu của đối tác. Cái khó là, dù sản phẩm được sản xuất theo công nghệ thủ công, song phải thỏa mãn được các tiêu chuẩn khắt khe tại Hàn Quốc. Sau những chật vật ban đầu, đến nay các sản phẩm muối tre Kosal đã được thị trường Hàn Quốc chấp nhận và đánh giá cao. Thời kỳ cao điểm, muối tre Kosal được các đối tác ở Hàn Quốc nhập từ 15 đến 20 tấn/năm, doanh thu đạt 30 đến 40 tỷ đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở địa phương. Muối tre ngoài việc sử dụng như muối thông thường, ở Hàn Quốc sản phẩm này còn được sử dụng làm nguyên liệu cho việc chế biến sản phẩm bảo vệ sức khỏe và làm đẹp, như, kem đánh răng, mặt nạ muối tre, xà phòng handmade...
Mây tre ChicnChill hay muối tre Kosal là câu chuyện của những doanh nghiệp nhỏ nhưng đã góp phần “viết” tên của Việt Nam trên bản đồ thương mại thế giới. Tuy nhiên, để tạo dựng được thương hiệu Việt toàn cầu, thế là chưa đủ, mà rất cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích xây dựng thương hiệu hay định hướng những ngành, nghề có lợi thế cạnh tranh, theo xu hướng phát triển của thị trường thế giới.
Ông Lê Quốc Tiến - Phó trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Làng nghề Việt Nam khu vực miền Trung cho rằng, doanh nghiệp Việt nên tích cực gia nhập những tổ chức, đoàn thể, hội nhóm quốc tế để có thể tiến sâu rộng hơn vào thị trường thế giới. Bên cạnh đó, các tổ chức, đoàn thể nghề nghiệp cũng cần phát huy đúng vai trò, trách nhiệm trong công tác định hướng, bảo vệ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Có như vậy, “con đường” từ lũy tre làng vươn ra thế giới sẽ ngắn hơn nhiều.
Bài và ảnh Nghi Lộc
Nguồn: