Tỷ lệ an toàn vốn - nền tảng cho hoạt động ngân hàng
Áp lực tăng vốn vẫn hiện hữu | |
Tăng vốn điều lệ giải tỏa nhiều áp lực cho ngân hàng | |
Tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước: Việc làm cần thiết |
Báo cáo gần đây của Fitch Ratings ghi nhận, vốn hoá ngân hàng Việt Nam được cải thiện đáng kể những năm trở lại đây do sinh lời tốt cũng như việc đáp ứng chuẩn mực Basel II. Tuy vậy, vốn của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn mỏng nếu so sánh với các ngân hàng quốc tế; và tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh cũng sẽ khiến tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng trong 2 - 3 năm tới giảm nếu ngân hàng không có lộ trình tăng vốn phù hợp. Fitch Ratings cũng cho rằng có thể nâng xếp hạng khả năng hoạt động của hầu hết các ngân hàng Việt Nam cao hơn một bậc nếu tỷ lệ vốn cốt lõi cao hơn 2 - 3 điểm phần trăm.
Theo Quyết định số 412/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31/3/2022 phê duyệt Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030 đặt ra mục tiêu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của các NHTM giai đoạn 2021 -2025 đạt 11 - 12%; đến năm 2030 duy trì tối thiểu 12%; tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tài sản có rủi ro của khối ngân hàng ở mức tối thiểu 9%...
Mục tiêu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu các NHTM giai đoạn 2021-2025 đạt 11-12% |
Đảm bảo năng lực tài chính luôn là yêu cầu bức thiết của hệ thống ngân hàng trong tiến trình tái cơ cấu các TCTD, đáp ứng các thông lệ quốc tế. Song, hiện tại hệ thống ngân hàng đang chịu nhiều sức ép. Việc tái cơ cấu, giãn hoãn nợ, giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do tác động bởi dịch Covid-19 thời gian qua cũng khiến hệ thống ngân hàng phải đối mặt với rủi ro tiềm ẩn trong trung hạn. Chưa kể thời gian tới, các ngân hàng phải chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo tinh thần Quyết định số 422/QĐ-NHNN của NHNN thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
Vì vậy theo các chuyên gia, tăng vốn vẫn là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay.
Thấu hiểu điều đó nên một trong những nội dung tâm điểm tại mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của hầu hết các ngân hàng là kế hoạch tăng vốn. SSI nhận định, hầu hết các ngân hàng đều dự kiến tăng vốn điều lệ từ 15 - 35% trong năm 2022 được thực hiện thông qua hình thức chia cổ tức/chia thưởng bằng cổ phiếu.
Như VIB mới phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ qua phát hành 554,5 triệu cổ phiếu chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên; sau phát hành, vốn điều lệ của VIB dự kiến tăng hơn 21.000 tỷ đồng. Bac A Bank cũng sẽ trình đại hội tăng vốn điều lệ từ 7.531 tỷ đồng lên gần 9.354 tỷ đồng thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 8% và chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15%.
ABBank cũng cho biết kế hoạch năm nay sẽ tăng vốn điều lệ lên hơn 10.400 tỷ đồng thông qua hai hình thức: trả cổ tức bằng cổ phiếu (dự kiến phát hành hơn 94 triệu cổ phiếu tỷ lệ 10%) và phát hành 5 cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nếu như trước kia các cổ đông thường trông chờ việc nhận cổ tức bằng tiền mặt hơn thì vài năm trở lại đây đã có sự thay đổi, cổ đông khá thoải mái được trả cổ tức bằng cổ phiếu khi cổ phiếu ngân hàng ngày càng “có giá” hơn.
Mirae Asset nhận định, so với các ngân hàng trong khu vực, cổ phiếu của các ngân hàng Việt Nam đang được giao dịch ở mức P/B trailing cao hơn, một phần do tỷ suất sinh lời của các ngân hàng Việt Nam cao hơn đáng kể. ROE trung bình ngành kỳ vọng tiếp tục duy trì trên 20% trong trung hạn. Công ty này cũng đánh giá cổ phiếu các ngân hàng trong nước đang được giao dịch ở vùng định giá hợp lý.
Việc phát hành chứng khoán nợ sẽ không chỉ giúp ổn định hệ số thanh khoản của các ngân hàng, mà còn cải thiện hệ số an toàn vốn bằng cách gia tăng vốn cấp 2. Cùng với đó, nhiều ngân hàng cũng đang rất nỗ lực để tiệm cận những tiêu chuẩn an toàn vốn cao hơn: SHB đã hoàn tất việc chuẩn bị các nền tảng tiến tới chuyển đổi lên phương pháp tính vốn nâng cao (FIRB) - đáp ứng chuẩn mực Basel III về rủi ro thanh khoản; Nam A Bank đã ký kết triển khai và áp dụng Basel III với KPMG; MSB hoàn thành Basel II phương pháp xếp hạng nội bộ IRB với rủi ro tín dụng và Basel III với rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường và rủi ro thanh khoản, đồng thời đang triển khai lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế IFRS và dự kiến hoàn thành trong năm 2022…
“Việc các ngân hàng Việt Nam tập trung đẩy mạnh để đáp ứng các trụ cột của Basel II là yếu tố quan trọng để các định chế tài chính, các tổ chức quốc tế đánh giá cao hơn năng lực quản trị của ngân hàng. Hệ thống ngân hàng - huyết mạch của nền kinh tế nếu được nhìn nhận tích cực chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ nâng cao vị thế, tín nhiệm của quốc gia. Hay nói cách khác, chuẩn Basel II là cầu nối của ngành Ngân hàng Việt Nam với thế giới trong xây dựng chuẩn mực quản trị vững mạnh, nền tảng vốn an toàn. Thực tế, đáp ứng Basel II là một trong những điều kiện để ngân hàng Việt Nam có thể niêm yết tại một số thị trường quốc tế như New York, Hong Kong, Singapore…”, một chuyên gia tài chính chia sẻ.