Ủy ban Kinh tế nhất trí đề xuất bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, vốn điều lệ của Agribank hiện đạt 30.591 tỷ đồng. Nếu tính theo chuẩn mực vốn Basel II, thời điểm 31/3/2020, tỷ lệ an toàn vốn của Ngân hàng này chỉ đạt 6,9%, không đảm bảo yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định.
Do chưa đáp ứng chuẩn mực vốn Basel II nên Agribank hiện đang được NHNN cho phép thực hiện tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Thông tư 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019. Thời điểm 31/3/2020, tỷ lệ an toàn vốn của Agribank theo Thông tư 22 chỉ đạt 9,2%, đã sát ngưỡng tối thiểu theo quy định (9%). Để đáp ứng quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN, Agribank cần được Nhà nước cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng ngay trong năm 2020.
Việc được bổ sung vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng nếu được thông qua năm 2020 thì năm 2021 và các năm tiếp theo, Agribank có điều kiện tăng quy mô trái phiếu phát hành để tăng vốn cấp 2, nhờ đó tạo điều kiện tăng dư nợ cho vay, doanh thu tăng thêm từ 4.500 tỷ đồng đến 5.000 tỷ đồng…
Trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ: Ủy ban tán thành với sự cần thiết tăng vốn điều lệ cho Agribank.
Trong điều kiện Agribank hoạt động ổn định và tăng trưởng đều hàng năm nhưng nếu không được tăng vốn điều lệ trong năm 2020 sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Về địa vị pháp lý và cơ sở tăng vốn, Ủy ban Kinh tế cho rằng, Agribank là đối tượng được đầu tư bổ sung vốn điều lệ, thuộc trường hợp quy định tại Điều 13 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69).
Về thẩm quyền quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ. Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật số 69, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập. Do vậy, thẩm quyền quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là của Thủ tướng Chính phủ.
Về trình tự, thủ tục đầu tư bổ sung vốn điều lệ: Các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 15 Luật số 69 quy định về trình tự, thủ tục đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp đang hoạt động do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Theo đó, Agribank lập và trình cơ quan đại diện chủ sở hữu (NHNN) phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ; NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ; sau đó trình phương án để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đồng thời, trình tự, thủ tục cũng phải thực hiện theo Nghị định số 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp (Nghị định số 91).
Trường hợp này, Thủ tướng Chính phủ không thể quyết định ngay việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) vì không phù hợp với quy định “không sử dụng NSNN để cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại” tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Do vậy, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc Quốc hội xem xét, chấp thuận bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn NSNN sẽ tạo cơ sở pháp lý cho Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Sau khi được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ sẽ thực hiện thẩm quyền của mình theo quy định của Luật số 69 và Luật NSNN.
Về mức vốn và nguồn bổ sung vốn điều lệ, Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc bổ sung vốn điều lệ (3.500 tỷ đồng) cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 theo Nghị quyết số 936 của UBTVQH. Đồng thời, cần báo cáo Quốc hội về việc bổ sung vào dự toán chi NSNN năm 2020 để bảo đảm quy định của Luật NSNN.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, do những vướng mắc hiện tại liên quan đến Nghị quyết số 25/2016/NQ-QH14 của Quốc hội về việc sử dụng NSNN để cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại, để xử lý đề nghị của Chính phủ, cần phải được sự thông qua của Quốc hội về nội dung này dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội.
Do đó, Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, cụ thể như sau: “Bổ sung dự toán chi NSNN năm 2020 để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp NSNN năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng. Chính phủ phải bảo đảm việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank đúng thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp”.
Trong quá trình thảo luận tại tổ và hội trường của Kỳ họp thứ 9, các đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến về nội dung này và dự kiến sẽ thông qua vào ngày cuối của Kỳ họp.