Vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm "lâm luật"
Đơn cử như vụ tài xế Nguyễn Văn Đông, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông (Kon Tum) điều khiển xe ô tô bán tải lưu thông tại thị trấn Măng Đen chở 12 cục và tấm gỗ xẻ có tổng khối lượng 401kg, chủng loại thông 5 lá (Nhóm IIA) không có hồ sơ nguồn gốc lâm sản; vụ đối tượng A Đâm, xã Xốp, huyện Đăk Glei (Kon Tum) có hành vi phá rừng trái pháp luật, với diện tích 0,144ha rừng tự nhiên, chức năng sản xuất nằm trong lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Glei quản lý.
Cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum xử lý nghiêm các trường hợp vị phạm Luật Lâm nghiệp |
Hay như vụ khai thác rừng trái pháp luật tại xã Đăk Long, huyện Đăk Hà (Kon Tum) với khối lượng gỗ tròn 26,653m3, chủng loại Chò xót, Nọng heo, Giẻ trắng, Xoan mộc, Re và Sp; vụ đối tượng là Công ty cổ phần Đầu tư thương mại phát triển Nhất Tín- Chi nhánh Kon Tum tàng trữ lâm sản trái pháp luật với tổng khối lượng 0,483m3 gỗ tròn và 70kg gỗ… Qua điều tra, xác minh, lực lượng kiểm lâm đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, tịch thu và bán sung công quỹ đối với các khối lượng gỗ là tang vật.
Đối với các vụ phá rừng trái phép tại huyện Đăk Glei, Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Glei đang phối hợp với các đơn vị liên quan xác minh tình tiết vụ vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật. Đối với vụ khai thác rừng trái pháp luật tại xã Đăk Long (huyện Đăk Hà), ngày 18/1/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Đăk Hà ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 5 bị can, bắt tạm giam các đối tượng để tiếp tục điều tra.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, bên cạnh phát hiện và xử lý 8 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp từ đầu năm 2024 đến nay với khối lượng gỗ vi phạm 29,101m3 và diện tích rừng thiệt hại 0,224ha, lực lượng kiểm lâm đang phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục điều tra làm rõ 16 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp từ năm 2023 chuyển sang…
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, để đảm bảo công tác chủ động thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong năm 2024, đơn vị tiến hành xây dựng kế hoạch làm việc, nắm bắt tình hình công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Cùng đó, tăng cường công tác chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thành phố và các đơn vị thực hiện đồng bộ, có hiệu quả chỉ đạo của các cấp về công tác quản lý bảo vệ rừng. Trong đó, chú trọng công tác phối hợp, rà soát, xác định điểm nóng về vi phạm Luật Lâm nghiệp, nắm bắt thông tin các đối tượng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng, thực hiện các giải pháp cấp bách về quản lý động vật hoang dã.
Từ đầu năm 2024 đến nay, hạt kiểm lâm các huyện, thành phố và đơn vị trực thuộc tổ chức hơn 90 đợt tuần tra, truy quét rừng với 750 lượt người tham gia và tổ chức gần 50 cuộc tuyên truyền trực tiếp với hơn 1.760 lượt người tham gia. Qua công tác tuần tra, truy quét, tổ chức tuyên truyền, nắm thông tin từ cơ sở và người dân, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Kon Tum kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp xảy ra trên địa bàn...
Để đảm bảo việc theo dõi che phủ rừng trên địa bàn và tăng cường công tác quản lý rừng, cuối tháng 2/2024 vừa qua, UNND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 97/QĐ-UBND phê duyệt kết quả theo dõi diễn biến rừng trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Tăng cường công tác tuần tra để kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm |
Theo đó, tổng diện tích tự nhiên của tỉnh Kon Tum 967.418,35ha. Tính đến ngày cuối năm 2023, diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn 780.530,86ha. Trong đó, diện tích đất có rừng 616.123,37ha, gồm 552.287,28ha rừng tự nhiên (rừng gỗ 478.161,11ha, rừng tre nứa 21.482,87ha và rừng hỗn giao gỗ và tre nứa 52.643,30ha); 63.836,09ha rừng trồng (rừng trồng cao su và đặc sản 40.038,00ha và rừng trồng các loại cây lâm nghiệp khác 23.798,09ha). Diện tích đất chưa có rừng 164.407,49ha, bao gồm cả 16.804,70ha đất đã trồng chưa thành rừng.
Đến cuối năm 2023, độ che phủ rừng trên toàn tỉnh Kon Tum đạt 63,69 %. Như vậy, độ che phủ rừng của địa phương này được đảm bảo và đều tăng trong những năm gần đây. Trong đó, độ che phủ rừng năm 2021 đạt 63%; năm 2022 đạt 63,05%. Kết quả theo dõi diễn biến rừng trên địa bàn năm 2023 là số liệu để tích hợp vào cơ sở dữ liệu theo dõi diễn biến rừng cấp quốc gia, phục vụ công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2023.