Vấn nạn giấy kiểm định giả
Lừa đảo bằng hoàn thuế GTGT | |
Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để lừa đảo qua điện thoại |
Khi mua sản phẩm trang sức có giá trị người dân nên đến những cửa hàng có uy tín |
Nhiều người đã bỏ ra một số tiền lớn để mua các sản phẩm này song họ không biết rằng giá trị thực tế của nó hoàn toàn không cao. Chỉ đến khi các đơn vị có chức năng giám định lại mới biết mình bị lừa.
Trong tháng 9/2020 vừa qua, có một khách hàng đã đến Công ty TNHH MTV Giám định PNJ (PNJL), xuất trình Giấy giám định đá quý số 151226. Ngay sau đó, PNJL đã phát hiện đây là giấy kiểm định giả mạo cả về nội dung và hình thức. Cụ thể, về hình thức chữ ký và con dấu bị làm giả bằng máy in phun màu. Mực in là dung dịch ngấm sâu vào sợi giấy, trong một chi tiết có lẫn các hạt mực màu khác nhau. Phần chữ ký không có vết hằn tài liệu do ấn bút. Bên cạnh đó, mã QR không quét được bằng lớp ứng dụng di động thông thường...
Đặc biệt, theo đại diện PNJL, đến thời điểm 9/2020, PNJL không thể hiện định giá trên giấy giám định đá quý, nhưng giấy kiểm định giả này lại có nội dung giá. Có thể các đối tượng đã cố tình ghi giá trên giấy kiểm định để dễ dàng lừa đảo người mua rằng đây là viên đá có giá trị đã được đơn vị có chức năng tiến hành kiểm định.
Về chất lượng viên đá, khi tiến hành giám định chất lượng khối đá ruby thiên thiên này, các chuyên gia giám định phát hiện các thông số về màu sắc, kích thước, trọng lượng, độ trong là giống nhau. Song, khối đá thô này có nhiều tạp chất nên chắc chắn không thể có giá lên đến 750 nghìn USD như trong giấy kiểm định giả công bố... Cũng theo đại diện PNJL, những trường hợp bị lừa mua hàng giả như nạn nhân vừa kể trên, trong thời gian gần đây không hiếm. Trong đó, đa số các khách hàng mua đá quý qua các trang mạng, thậm chí có cả những trang giả mạo PNJ và chỉ đến khi khách hàng mang đi kiểm định mới biết là hàng rởm.
Không chỉ làm giả các giấy kiểm định kim cương hay đá quý ở trong nước, các đối tượng còn lợi dụng các giấy kiểm định “xịn” từ nước ngoài để trục lợi. Đơn cử, có những trường hợp khách hàng trong nước mua các sản phẩm kim cương có giấy kiểm định từ Viện Ngọc học Mỹ (GIA) cũng bị lừa. Theo những người có kinh nghiệm trong nghề, đây là những giấy kiểm định chất lượng thật.
Tuy nhiên, viên kim cương được giám định lại là hàng nhân tạo. Thông thường, những viên kim cương có giá trị cao, chất lượng tốt sẽ được GIA kiểm tra, đi kèm với đó là giấy kiểm định cũng một mã số riêng. Để trục lợi, các đối tượng làm ăn “lôm côm”, đã tiến hành khắc mã số viên kim cương trùng với mã số trên giấy kiểm định thật, để đánh lừa các “thượng đế”, thiếu kinh nghiệm nhưng thừa chủ quan.
Bên cạnh, những hành vi gian dối hay giả mạo liên quan đến giấy kiểm định kim cương, đá quý... thời gian vừa qua, PNJ cũng đã phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nhiều fanpage, web… giả mạo thương hiệu của mình. Theo đó, thủ thuật mà các đối tượng thường dùng là thay đổi logo và hình ảnh cửa hàng hoặc sản phẩm thiết kế của PNJ như, đảo ngữ JPN – PJN hay PJ đi kèm với hình ảnh của PNJ… Vì những thay đổi này rất nhỏ, nên khách hàng không để ý và sẽ khó phát hiện, dẫn đến sự nhầm lẫn.
Thậm chí, các đối tượng này còn sử dụng nhiều chiêu trò như, thông báo trúng thưởng, mời chào bằng phần thưởng không có thật để khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, chuyển tiền để nhận quà, chào giá bán sản phẩm thấp hơn thị trường để lừa khách hàng mua sản phẩm nhái, giả, kém chất lượng, gây thiệt hại tài chính trực tiếp với khách hàng...
Những hành vi giả mạo và các thủ đoạn lừa đảo tinh vi như trên đã và đang làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh chung của thị trường trang sức Việt Nam, trực tiếp tổn hại đến lợi ích của khách hàng, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu PNJ.
Theo đại diện PNJ, với mục tiêu minh bạch hóa thị trường, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh trong sạch, thời gian gần đây doanh nghiệp không ngừng hành động, liên tục cập nhật thông tin các fanpage, website giả mạo trên tất cả các kênh truyền thông, cũng như cung cấp kênh thông tin liên lạc nhằm tiếp nhận phản hồi, kịp thời khuyến cáo, bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho khách hàng. Bên cạnh đó, PNJ cũng đang áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật hiện hành để bảo vệ khách hàng cũng như thương hiệu PNJ trong thời gian tới...
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của doanh nghiệp, về phía các “thượng đế”, trước tình trạng ngày càng có nhiều cửa hàng “giả danh” cũng như thông tin lệch lạc trên mạng, để đảm bảo quyền lợi của chính mình, khi mua kim cương, đá quý, những sản phẩm trang sức có giá trị lớn cũng cần phải cẩn thận và nên đến những cửa hàng của các thương hiệu có uy tín trên thị trường, để tránh “sập bẫy” lừa của các đối tượng làm ăn bất minh.
Bên cạnh đó, bà Đặng Thị T., chủ một cửa hàng kinh doanh vàng bạc, đá quý tại TP. Đà Nẵng đưa ra lời khuyên, khi mua đá quý, kim cương có giá trị khách hàng nên yêu cầu người bán đưa sản phẩm đi kiểm định tại đơn vị có uy tín. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để xác định giá trị thực của tài sản mà mình định sở hữu. Bởi, thông thường những sản phẩm có giá trị cao như đá quý, kim cương... nếu không có giấy kiểm định chất lượng sẽ mất giá hơn rất nhiều so với sản phẩm cùng loại nhưng có giấy chứng nhận.