Vật liệu xây dựng làm chủ thị trường nội
Doanh nghiệp vật liệu xây dựng: Kỳ vọng 6 tháng cuối năm | |
Ngành xây dựng - Vật liệu xây dựng 2020: 7 xu hướng, 6 chiến lược ưu tiên và 5 tác nhân ảnh hưởng | |
Doanh nghiệp xi-măng tăng thị phần nội |
Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam nhận định, thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng. Thời gian qua, mặc dù doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng không ngừng được đầu tư, đổi mới và phát triển trong sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường. Công suất thiết kế và sản lượng một số sản phẩm vật liệu xây dựng (sứ vệ sinh, xi măng, sắt, thép…) của doanh nghiệp Việt đã tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước đây. Vật liệu xây dựng Việt có mẫu mã đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng ngày càng cao và đa dạng của thị trường trong nước, từng bước thay thế hàng nhập khẩu. Trong đó, nhiều loại vật liệu xây dựng Việt Nam có số lượng, chủng loại hàng đầu thế giới (xi măng, gốm, xây dựng…). Tuy nhiên, so sánh lợi thế ở thị trường tiêu thụ nội, thì hàng Việt Nam vẫn còn chịu cạnh tranh gay gắt của hàng Trung Quốc đa số và hàng nhập khẩu nhiều nước thiểu số.
Việc phát triển vật liệu xây dựng để đáp ứng nhu cầu thị trường là tất yếu |
Nguyên nhân vật liệu xây dựng Việt chật vật ở thị trường nội được Tiến sĩ Lương Đức Long, nguyên Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) phân tích, do việc đầu tư phát triển một số chủng loại vật liệu xây dựng chưa hợp lý, quy mô sản xuất nhỏ, phân tán (hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất gạch, gốm sứ xây dựng), hiệu quả đầu tư chưa cao. Dẫn đến sản phẩm ít mẫu mã, chất lượng thấp, so sánh với hàng nhập khẩu không tốt hơn, nên khó có thể chiếm lợi thế thị phần. Tiếp đến là quá trình phát triển vật liệu xây dựng mới chậm phát triển, chưa có nhiều sản phẩm mới đáp ứng được nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu, phát triển chưa được doanh nghiệp quan tâm, hoặc đầu tư thiếu hiệu quả, nghiên cứu chưa gắn với đầu tư, sản xuất, phí phạm cả tài nguyên và nhân lực.
Đánh giá, vật liệu xây dựng là ngành sản xuất quan trọng, trong khi Việt Nam đang bùng nổ xây dựng cơ sở hạ tầng và đô thị hóa như hiện nay. Bộ Xây dựng đã có Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, sẽ ưu tiên đầu tư các dự án sản xuất vật liệu xây dựng mới, dự án công suất lớn ở vùng có điều kiện thuận lợi về nguyên liệu, có điều kiện phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông thuận lợi và gần thị trường tiêu thụ. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển cơ khí chế tạo cho công nghiệp vật liệu xây dựng. Trong sản xuất, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường… Đặc biệt, phát triển đa dạng chủng loại và mẫu mã sản phẩm, nhất là sản phẩm có tính năng mới, có giá trị kinh tế cao, thích ứng biến đổi khí hậu, bền vững môi trường biển, có lợi thế cạnh tranh cao.
Theo ông Tống Văn Nga, thời gian tới quá trình đô thị, công nghiệp hóa tại Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, nên việc phát triển vật liệu xây dựng để đáp ứng nhu cầu thị trường là tất yếu. Các doanh nghiệp trong ngành cũng đã tăng đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, bộ phận nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… đã bắt đầu xuất hiện những trung tâm kinh doanh, phân phối vật liệu xây dựng theo chuỗi từ A – Z (nhằm cung cấp vật liệu xây dựng, dịch vụ từ vấn thiết kế…) để tiếp cận thị trường và người mua từ nhiều phía. Các doanh nghiệp phân phối này kinh doanh đến 80% sản phẩm sản xuất trong nước. Về phía doanh nghiệp sản xuất hiện đã đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng có quy mô công suất lớn, phát triển các sản phẩm có năng lực cạnh tranh, thân thiện môi trường, đa dạng chủng loại sản phẩm với chất lượng cao, để từng bước nâng cao thị phần nội, giảm tiêu dùng hàng nhập khẩu ở phân khúc giá rẻ, kém chất lượng.