VND: Đồng tiền có tỷ giá ổn định
Tỷ giá tính chéo của VND với một số ngoại tệ từ 3/10/2019 đến 9/10/2019 | |
Niềm tin vào tiền đồng tiếp tục tăng cao |
Đồng VND tiếp tục vững vàng trước con sóng lớn |
Nguồn cung dồi dào, điều hành linh hoạt
Thị trường quốc tế đang diễn biến hết sức khó lường, đặc biệt như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi mà Mỹ vừa đưa 8 công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc vào “danh sách đen” và Trung Quốc có thể trả đũa đối với hành vi này.
Đặc biệt, động thái này được đưa ra ngay trước khi hai nước nối lại các cuộc đàm phán cấp cao vào ngày 10-11/10. Bởi vậy, không có gì đảm bảo các cuộc đàm phán này có thể thay đổi được cục diện. Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vì thế không có nhiều thay đổi.
Trong khi đó, làn sóng nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế tiếp tục lan rộng. Fed vừa tiến hành cắt giảm lãi suất lần thứ hai kể từ đầu năm và được dự báo có thể cắt giảm thêm 1-2 lần nữa trong năm nay; trong khi hàng loạt các NHTW trên thế giới cũng đã cắt giảm lãi suất, thậm chí tái triển khai các gói nới lỏng định lượng để kích thích nền kinh tế. Thị trường tài chính toàn cầu, kéo theo đó là các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới liên tục biến động mạnh. Có những đồng tiền mất giá tới 8-11% như KWR, SEK nhưng cũng có những đồng tiền lên giá 5-7% (như RUB, THB) so với USD.
Trong khi đó, theo Công ty chứng khoán SSI, VND là một trong những đồng tiền hiếm hoi có tỷ giá ổn định so với USD. “Từ đầu năm đến nay, VND có một lần tạo sóng từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5 nhưng mức tỷ giá mua vào của các ngân hàng ở đỉnh sóng cũng chỉ tăng 0.84% so với cuối năm 2018, ở mức 23.360 đồng/USD, sau đó nhanh chóng hạ nhiệt. Ngay cả khi áp lực rất lớn và đột ngột đến từ tỷ giá USD, CNY vượt qua ngưỡng 7.0 và CNY liên tục giảm giá, mức giảm lên tới gần 4% chỉ trong tháng 8/2019 thì VND vẫn đi ngang”, SSI dẫn chứng về sự ổn định của VND.
Vậy yếu tố nào giúp cho giá trị đồng VND ổn định trước biến động của thị trường thế giới trong thời gian qua? Ngoài kinh nghiệm điều hành tỷ giá hết sức chủ động linh hoạt của NHNN, theo SSI, nhân tố hỗ trợ tích cực cho tỷ giá chính là nguồn cung ngoại tệ dồi dào.
Quả vậy, vốn FDI giải ngân đạt tới 14,2 tỷ USD trong 9 tháng năm 2019; vốn FII cũng đạt 10,4 tỷ USD. Trong khi cán cân thương mại hàng hóa trong 9 tháng 2019 thặng dư cao nhất từ trước đến nay, đạt tới 7,1 tỷ USD… Tất cả khiến cho nguồn cung ngoại tệ trong quý III rất dồi dào. Vì lẽ đó, bất chấp chênh lệch lãi suất VND/USD trên liên ngân hàng giảm mạnh về quanh mức 0, tỷ giá vẫn đi ngang. “Đây cũng sẽ là những yếu tố thuận lợi góp phần ổn định tỷ giá”, SSI nhận định.
Có quan điểm tương đồng, ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn thuộc HSBC Việt Nam nhận định, tỷ giá ổn định nhờ NHNN đã có những giải pháp đồng bộ, linh hoạt trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, điều hành tỷ giá phù hợp với thực trạng diễn biến cung - cầu ngoại tệ trên thị trường.
Bên cạnh đó, với nguồn dự trữ ngoại hối được cải thiện nhiều cũng như thông qua các kênh điều hành khác qua lãi suất, NHNN có đủ công cụ và điều kiện để bình ổn thị trường, ổn định tâm lý nhà đầu tư trước những diễn biến khó lường trên thị trường quốc tế.
Tiếp tục thận trọng trong điều hành
Chia sẻ về định hướng điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá những tháng cuối năm, tại buổi họp báo mới đây, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, can thiệp thị trường linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước khi có điều kiện thuận lợi.
Đồng tình với quan điểm điều hành chính sách tỷ giá ổn định một cách linh hoạt của NHNN trong thời gian qua, TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, NHNN không nên chạy theo diễn biến thị trường quốc tế để điều chỉnh tỷ giá. Nếu phá giá, tác động tiêu cực với nền kinh tế còn lớn hơn vì tâm lý kỳ vọng lạm phát của người Việt Nam rất lớn. Điều này sẽ gây biến động cho nền kinh tế.
Bởi vậy theo chuyên gia này, thay vì điều chỉnh tỷ giá, Việt Nam nên áp dụng các biện pháp thuế quan, phi thuế quan qua hàng rào kỹ thuật, kiểm soát buôn lậu… để cải thiện xuất nhập khẩu.
“NHNN cần tiếp tục quan sát thận trọng. Hiện, kinh tế toàn cầu ngày càng bất định không thể đoán trước để chọn biện pháp đi tắt đón đầu. Do vậy, NHNN nên vận dụng phương châm hành động “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Đây cũng là phương châm đã giúp điều hành chính sách tiền tệ thành công trong thời gian qua”, TS. Nghĩa khuyến nghị.
Cũng chính nhờ quan điểm điều hành thận trọng linh hoạt của NHNN, cộng thêm nguồn cung ngoại tệ được dự báo sẽ tiếp tục dồi dào khi mùa cao điểm kiều hối đã đến nên nhiều chuyên gia đều có chung nhận định: Tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định trong những tháng cuối năm. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng, mặc dù tỷ giá cũng sẽ chịu áp lực nhất định từ diễn biến kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ cuộc chiến tranh Mỹ - Trung.
Theo đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, đồng CNY có thể sẽ tiếp tục mất giá, từ đó tạo áp lực lên tỷ giá trong nước. Mặc dù vậy, theo ông tỷ giá sẽ không có biến động mạnh từ nay đến cuối năm. Tính chung cả năm tỷ giá nếu có tăng cũng chỉ ở mức độ rất nhẹ khoảng 1%, thấp hơn so với dự đoán từ đầu năm khá nhiều.
Ông Ngô Đăng Khoa cũng có chung nhận định là đồng CNY mất giá mạnh so với đồng USD, cùng với nhu cầu thanh toán tăng cao theo yếu tố mùa vụ sẽ là những yếu tố gây áp lực với tỷ giá những tháng cuối năm. Nhưng diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước được duy trì đà tăng trưởng tốt cùng với nguồn cung ngoại tệ dồi dào sẽ tiếp tục là điều kiện thuận lợi để NHNN chủ động trong quá trình điều hành chính sách, ổn định thị trường.