Vốn ngân hàng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên
Quyết liệt triển khai giải pháp hỗ trợ kinh tế địa phương
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN cho biết, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, NHNN đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất và kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Thứ hai, chỉ đạo các TCTD tập trung vốn vào sản xuất, kinh doanh và ban hành các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Thứ ba, chỉ đạo các TCTD cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay song vẫn đảm bảo an toàn vốn vay; đồng thời kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân, DN khắc phục khó khăn do thiên tai, bão lụt, dịch bệnh và một số nguyên nhân bất khả kháng khác.
Thứ tư, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay của TCTD, kịp thời ban hành/trình ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh như: chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; chính sách hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… Thứ năm, chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong một số ngành, lĩnh vực chủ chốt; ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trên toàn quốc, các hội nghị chuyên đề, hội nghị vùng,…
Bên cạnh việc triển khai các giải pháp quyết liệt nêu trên, Ngành Ngân hàng luôn mong muốn được lắng nghe các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho từng doanh nghiệp. Với ý nghĩa đó, từ năm 2014 đến nay, NHNN đã phối hợp với UBND các tỉnh/thành phố tổ chức Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên toàn quốc, với mục đích làm việc, đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp, thông qua đó tạo sự gắn kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là dịp để NHNN thông tin tới các doanh nghiệp, Hiệp hội, các sở, ban, ngành tại các địa phương về tổng thể các giải pháp của ngành ngân hàng và kết quả đến nay; giải đáp các vướng mắc (nếu có); ghi nhận các đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng.
Để triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, trong gần 9 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức 02 Hội nghị, 05 cuộc họp với các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp; về phía NHNN, đã tổ chức 14 Hội nghị, cuộc họp bàn, ban hành 11 văn bản chỉ đạo về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với một số đối tượng, ngành, lĩnh vực, về vấn đề lãi suất, phí dịch vụ ngân hàng; 02 Hội thảo khoa học về tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng; đặc biệt tại các địa phương đã có 63 Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được tổ chức, thể hiện tinh thần đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn giữa ngân hàng và doanh nghiệp, nền kinh tế.
Toàn cảnh Hội nghị |
Nhấn mạnh khu vực Tây Nguyên có vai trò đặc biệt quan trọng của về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với đặc điểm lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, Phó Thống đốc cho biết, những năm qua, toàn ngành Ngân hàng luôn cố gắng, nỗ lực trong việc phát triển mạng lưới, quy mô hoạt động; tập trung các nguồn lực, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn và dịch vụ ngân hàng, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thông tin cụ thể về kết quả hoạt động ngân hàng tại khu vực Tây Nguyên, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, đến 30/9/2023, huy động vốn của các TCTD tại khu vực đạt 269.417 tỷ đồng, tăng gần 8%, tổng dư nợ tín dụng đạt 508.102 tỷ đồng, tăng 6,0% so với 31/12/2022, chiếm khoảng 4,01% tổng dư nợ nền kinh tế. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch hỗ trợ đắc lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các động lực tăng trưởng của vùng (như tín dụng một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn; dư nợ các lĩnh vực trọng điểm của vùng tăng tốt;...); Các TCTD trên địa bàn đã giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với khoản cho vay mới và cũ trên địa bàn ở mức 7,3% - 9,1%.
Kết quả tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên được cải thiện. Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Tây Nguyên đạt khoảng 297.501 tỷ đồng, tăng 3,15% so với cuối năm 2022 chiếm 9,65% so với dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn toàn quốc; Dư nợ cho vay các mặt hàng chủ lực như cà phê, cao su, hồ tiêu đều tăng khá (với dư nợ là 76.255 tỷ đồng, chiếm 15% tổng dư nợ của vùng Tây Nguyên, tăng 7.06% so với cuối năm 2022, chiếm khoảng 82% dư nợ cho vay cà phê toàn quốc; Dư nợ cho vay cao su đạt 7.168 tỷ đồng, chiếm 1,4% tổng dư nợ của vùng Tây Nguyên, chiếm 15,7% dư nợ cho vay cao su toàn quốc…); dư nợ cho vay ngành công nghiệp, xây dựng đạt mức tăng 11,57%.
Kết quả trên cho thấy dòng vốn tín dụng ngành Ngân hàng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực Tây Nguyên theo đúng định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính và NHNN.
“Hiến kế” phát huy tiềm năng, lợi thế của khu vực Tây Nguyên
Mặc dù toàn ngành Ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của TCTD, song việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và trên địa bàn khu vực Tây Nguyên nói riêng hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế đã khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, tạo áp lực cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế lên ngành Ngân hàng.
Tại Tây Nguyên, nguồn vốn huy động tại chỗ chỉ chiếm khoảng 53%. Hoạt động huy động vốn trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trên địa bàn, các TCTD phải nhận điều chuyển vốn từ hội sở để kinh doanh.
Về đầu tư tín dụng phục vụ phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như: hiệu quả kinh doanh trong nông nghiệp là ngành thế mạnh của vùng vẫn còn thấp, trong bối cảnh các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nông nghiệp trong khu vực và trên thế giới, sự liên kết hợp tác, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế và phải chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; Nguy cơ đứt gẫy chuỗi giá trị sản xuất - thu mua - chế biến - xuất khẩu các mặt hàng nông sản luôn tiềm ẩn và gây rủi ro ách tắc, tồn ứ nông sản trong lưu thông. Vấn đề xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chưa được đầu tư thỏa đáng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Chính sách về liên kết vùng, khuyến khích hợp tác công - tư, chính sách phát triển doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai song chưa đạt như kỳ vọng.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp ghi nhận sự hỗ trợ tích cực của hệ thống ngân hàng từ tiếp cận vốn, đến giảm lãi suất... giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh, vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, để cung – cầu vốn gặp nhau nhiều hơn, đại diện doanh nghiệp Cafe Vĩnh Hiệp – Gia Lai đề nghị ngân hàng có chính sách cấp tín dụng theo từng ngành hàng, đặc biệt là ngành nông sản xuất khẩu trong đó có cà phê. Ngoài ra có thể xem xét triển khai áp dụng các sản phẩm vay vốn, dựa vào phương án sản xuất kinh doanh, hợp đồng, quyền phải thu, dòng tiền, hàng hoá để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp…
Từ tình hình thực tế nêu trên, để phát huy tiềm năng, lợi thế của khu vực Tây Nguyên, bà Hà Thu Giang cho biết, trong thời gian, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung triển khai một số giải pháp tín dụng trọng tâm.
Một là, tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng.
Hai là, tiếp tục chỉ đạo TCTD tích cực triển khai Chương trình HTLS 2% qua hệ thống NHTM, các Chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản...). Kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; kiểm soát chất lượng tín dụng và ngăn ngừa nợ xấu.
Ba là, tiếp tục chỉ đạo các TCTD tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu; rà soát, cắt giảm phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân; Chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng; Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn.
Bốn là, tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023.
Năm là, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.
Sáu là, củng cố, phát triển mạng lưới và dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục trong giao dịch với khách hàng nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.