Vừa triển khai, vừa chỉnh sửa
NHNN sẽ tích cực phối hợp thúc đẩy triển khai tín dụng NNCNC | |
Gỡ nút thắt tín dụng bằng giải pháp căn cơ | |
Chủ động giảm lãi suất |
Vốn cho công nghệ cao giải ngân chậm?
Phải khẳng định rằng, chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) được các NH vào cuộc sớm. Bởi ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 giao NHNN chỉ đạo các NHTM Nhà nước dành ít nhất 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các NH để thực hiện chương trình cho vay này với lãi suất phù hợp, đến nay con số các NHTM đăng ký cam kết cho vay gói tín dụng này khoảng 120 nghìn tỷ đồng và đã giải ngân gần 33 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, Chính phủ mong muốn NHNN tiếp tục có giải pháp để đẩy nhanh tốc độ triển khai cho vay gói tín dụng này nhằm hỗ trợ NNCNC trong thời gian tới.
Tài sản như nhà kính, nhà lưới trên đất NNCNC chưa được công nhận là tài sản thế chấp là một trong những bất cập khiến NH khó cho vay |
Trên thực tế với ngành NH đã có khá nhiều chính sách, chương trình cho vay nhưng khi đi vào triển khai mới thấy được những khó khăn. Đơn cử chương trình cho vay đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67, các bên tham gia đều gặp nhiều vướng mắc và cũng đã được tháo gỡ phần nào qua việc sửa đổi bổ sung Nghị định 89. Tuy vậy, tại Hội nghị tổng kết 3 năm triển khai Nghị định 67 mới đây cho thấy vẫn còn một số vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ, rút kinh nghiệm để chính sách cho vay đóng tàu thêm hiệu quả.
Tuy cho vay NNCNC vốn đầu tư không lớn như cho vay đóng tàu theo Nghị định 67, nhưng sau 5 tháng triển khai, các NHTM cũng đã gặp những vướng mắc, khó khăn. Hiện số lượng các DN được cấp giấy chứng nhận DN NNCNC, khu, vùng NNCNC còn hạn chế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành tiêu chí xác định chương trình, dự án NNCNC, nhưng cũng mới chỉ thẩm định và công nhận được 26 DN và đang thụ lý hồ sơ đề nghị công nhận thêm 4 DN trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản và chế biến thực phẩm áp dụng công nghệ tự động hóa...
Bên cạnh đó là các vướng mắc khác như: người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp để làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn NH; các dự án tiềm ẩn không ít rủi ro trong khi lại thiếu các công cụ phòng ngừa, chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi; Thiếu thị trường tiêu thụ ổn định cho các mặt hàng NNCNC, nông nghiệp sạch…
Sẽ đôn đốc tháo gỡ về mặt pháp lý
Là NH cam kết dành 50 nghìn tỷ đồng cho vay NNCNC nhưng đến nay Agribank mới giải ngân được gần 7.000 tỷ đồng cũng do gặp vướng mắc, bất cập trên. Theo ông Trịnh Ngọc Khánh - Chủ tịch HĐTV Agribank, vướng mắc lớn nhất là vấn đề tài sản thế chấp. “Đầu tư cho công nghệ cao vốn rất lớn, một suất đầu tư có thể 30 - 40 tỷ đồng nhưng tài sản thế chấp hầu như là đất nông nghiệp và đất thuê; giá trị nhà kính, nhà xưởng lại không được đưa vào giá trị tài sản thế chấp” – ông Khánh chia sẻ và cho rằng, với kinh nghiệm cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân lúc được mùa thì rất có giá trị, nhưng khi mất mùa thì tài sản thu về không đáng là bao nhiêu. Ngay cả nhà máy có giá trị đầu tư 500 tỷ đồng nhưng khi mất mùa thì có bán tài sản đó cũng không thu được mấy.
Theo các NH, khâu thẩm định cho vay hiện nay vẫn là “đau đầu” nhất với lĩnh vực cho vay này. Vì khi thẩm định, thẩm tra cho vay tại thời điểm này thì như vậy nhưng sau ba, bốn năm, thị trường thay đổi khác đi cũng khó lường. “Khi cho vay đánh giá thấp thì dân kêu, khách hàng kêu nhưng đến khi mất mùa lại hỏi ngược lại NH tại sao lúc thẩm định cán bộ NH đánh giá cao thế” – lãnh đạo một NHTM băn khoăn.
Cũng nêu ra vướng mắc hiện nay là tài sản bảo đảm liên quan đến ruộng đất, đại diện VietinBank cho rằng tài sản bảo đảm khoản vay của nông dân, hộ sản xuất chủ yếu là ruộng đất, các vấn đề về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phát mại tài sản khi nợ xấu phát sinh cũng khiến NH gặp nhiều rắc rối. Và trong thực tế, nhận tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay hiện nay cũng còn bất cập, ví dụ, với trồng cây lâu năm: Một số sở tài nguyên cho phép đăng ký giao dịch đảm bảo đối với cây lâu năm theo hình thức tài sản hình thành trong tương lai nhưng một số sở tài nguyên từ chối hoặc yêu cầu bổ sung đầy đủ chứng từ chứng minh quyền sở hữu. Còn với nhà lưới, nhà kính chưa có sở tài nguyên nào cho phép nhận tài sản bảo đảm này.
Trong khi đó, vấn đề cho vay tín chấp cũng cần phải tính toán từ nhiều phía, nếu thông tin minh bạch, chính xác đáng tin cậy thì các NH cho vay tín chấp nhưng thông tin thiếu tin cậy không chính xác thì cho vay tín chấp cực kỳ rủi ro. Do vậy, các NH cũng cần phải có sự phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để hỗ trợ cho người dân hiểu biết hơn về kỹ năng tay nghề, kiến thức liên quan đến tài chính NH để sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn.
Tại buổi làm việc giữa Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ với NHNN, theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, những vướng mắc về pháp lý trên NH đã kiến nghị nhiều lần. Bởi dù chủ đầu tư có trả tiền thuê đất hàng năm, nhưng tài sản trên đất đó không được cấp giấy chứng nhận sở hữu, khi đưa ra thế chấp mà không có giấy tờ gì liên quan thì NH cũng rất khó cho vay. Chính phủ cũng đã đưa vào Nghị quyết đề nghị Bộ Tài Nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tư pháp tháo gỡ chứng nhận các tài sản trên đất để giúp DN và người dân khi vay đầu tư lĩnh vực NNCNC thế chấp vay được vốn nhưng tới nay chưa được giải quyết.
Trước những kiến nghị trên, ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và cho biết, Tổ công tác tiếp nhận ý kiến của Thống đốc, của các NHTM và sẽ báo cáo Thủ tướng đôn đốc giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp để tháo gỡ vấn đề pháp lý này.
Tuy cho vay NNCNC vốn đầu tư không lớn như cho vay đóng tàu theo Nghị định 67, nhưng sau 5 tháng triển khai, các NHTM cũng đã gặp những vướng mắc, khó khăn. Hiện số lượng các DN được cấp giấy chứng nhận DN NNCNC, khu, vùng NNCNC còn hạn chế. |