Chủ động giảm lãi suất
NH đầu tiên giảm lãi suất cho vay sau quyết định giảm lãi suất của NHNN | |
Từng bước hiện thực hoá mục tiêu giảm lãi suất | |
Nếu đồng thuận, lãi suất vẫn có thể giảm |
NHNN Việt Nam vừa ban hành 2 Quyết định quan trọng liên quan đến lãi suất. Đó là Quyết định giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN Việt Nam đối với các ngân hàng. Đồng thời NHNN giảm tối đa 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Các mức lãi suất trên sẽ có hiệu lực từ ngày 10/7/2017.
Quyết định trên của NHNN nhận được đánh giá tích cực của giới chuyên gia, các NHTM, cho thấy sự nhạy bén trong điều hành chính sách của NHNN ngày càng tăng. Mục tiêu lớn cho quyết định giảm đồng loạt tất cả các mức lãi suất chủ chốt của NHNN được TS. Bùi Quang Tín nhận định là vừa định hướng vừa hỗ trợ các TCTD có nguồn đầu vào rẻ hơn để mạnh dạn giảm lãi suất cho vay, kích thích DN vay vốn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Quyết định giảm đồng loạt tất cả các mức lãi suất chủ chốt của NHNN giúp các TCTD có nguồn đầu vào rẻ hơn để mạnh dạn giảm lãi suất cho vay, kích thích DN vay vốn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế |
Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, NHNN đã thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành như bơm hút nhịp nhàng trên thị trường mở (OMO) và phát hành tín phiếu của NHNN để hỗ trợ thanh khoản cũng như giúp các ngân hàng không phải chịu quá nhiều áp lực đẩy lãi suất huy động trên thị trường 1 (dân cư và tổ chức)… Đó cũng là lý do theo TS. Tín không phải ngẫu nhiên lãi suất vẫn giữ được ổn định trước nhiều áp lực cả thị trường trong nước lẫn quốc tế.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm chưa đạt như kỳ vọng. Trong khi Chính phủ mong muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 như đã đề ra. Mong muốn này thể hiện rõ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ 3 tháng gần đây nhất, người đứng đầu Chính phủ đều nhấn mạnh đến mục tiêu phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay. Yêu cầu của Thủ tướng đối với NHNN là tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, trên cơ sở kiểm soát lạm phát, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Yêu cầu trên cũng là nỗi niềm của toàn ngành NH. Trao đổi với phóng viên, Tổng giám đốc một NHTM cho biết, các NH rất mong muốn giảm lãi suất cho vay hỗ trợ cho khách hàng. Nhưng thực tế, nếu không có sự hỗ trợ từ chính sách thì mong muốn này khó thành hiện thực bởi NH chịu nhiều sức ép nguồn vốn: vừa đảm bảo chỉ số an toàn chặt chẽ hơn của NHNN, lại vừa đảm bảo đủ vốn cho khách hàng. “Nếu giảm lãi suất huy động trên thị trường 1, không ai dám chắc vốn NH sẽ tiếp tục ở lại với NH khi các kênh đầu tư khác có mức sinh lời tốt”, vị lãnh đạo trên chia sẻ và cho biết, với quyết định trên của NHNN chắc chắn các NH sẽ mạnh dạn giảm lãi suất cho vay.
“NHNN đã rất “tinh tế” khi chọn thời điểm này để điều chỉnh lãi suất điều hành”, một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá. Chủ trương của Chính phủ trong năm 2017 là tín dụng tăng cao hơn dự kiến khoảng 18-20%, thường điểm rơi tín dụng vào quý IV. Khi nhu cầu vốn tăng cao sẽ tạo áp lực lên cung vốn. Nếu lúc đó, NH không chuẩn bị đủ nguồn lực sẽ buộc phải đẩy lãi suất lên chắc chắn khi đó sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát. Vì vậy, NHNN đã chủ động dự trù điều chỉnh sớm từ quý III để các NH chủ động cân đối nguồn vốn cho vay khách hàng một cách hợp lý.
Để thực hiện có hiệu quả các chủ trương trên, tại các quyết định trên, NHNN đã yêu cầu các TCTD thực hiện đúng các quy định về lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Đồng thời các TCTD chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản. Các TCTD tiếp tục thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có cơ sở giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; áp dụng mức thu phí hợp lý đối với các khoản phí được thu theo quy định của pháp luật nhằm chia sẻ khó khăn đối với khách hàng vay…
Với diễn biến trên, theo tính toán của một số chuyên gia: khả năng lãi suất cho vay giảm được từ 0,25% - 0,5%/năm là hoàn toàn khả thi. “Mức giảm nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào tốc độ xử lý nợ xấu của hệ thống NH. Tuy Nghị quyết xử lý nợ xấu đã được thông qua nhưng đây chưa phải liều thuốc tiên giúp giải quyết nợ xấu ngay mà nó cần có thời gian để các tác động chính sách được lan tỏa”, TS. Tín nhận định. Còn quan điểm của TS. Võ Trí Thành, lãi suất nên để thị trường quyết định, nếu cố ép bằng các biện pháp hành chính sẽ gây méo mó thị trường thậm chí phản tác dụng chính sách.
*Quyết định số 1424/QĐ-NHNN ngày 7/7/2017 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng, NHNN điều chỉnhgiảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,5%/năm xuống 6,25%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,5%/năm xuống 7,25%/năm. *Quyết định số 1425/QĐ-NHNN ngày 7/7/2017 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016, NHNN điều chỉnhlãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 7%/năm xuống 6,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 8%/năm xuống 7,5%/năm. |