Vực dậy thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Nghị định 65 có “đá quả bóng” về tương lai?
Yêu cầu có các biện pháp bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, an toàn | |
Mua, bán trái phiếu doanh nghiệp cần hiểu đúng | |
Vực dậy thị trường trái phiếu doanh nghiệp |
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang được kỳ vọng sẽ là giải pháp hiệu quả để vực dậy niềm tin của nhà đầu tư, qua đó vực dậy thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Các nội dung sửa đổi Nghị định 65, mà trọng tâm là hoãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với một số quy định, là giải pháp cấp bách giúp nhà phát hành có thêm thời gian để chuẩn bị trước khi đưa việc phát hành trái phiếu vào quy củ.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, từ sau khi Nghị định 65 được ban hành và có hiệu lực (ngày 16/9/2022) đến ngày 30/11/2022, các doanh nghiệp đã phát hành gần 7.000 tỷ đồng trái phiếu, tập trung chủ yếu ở các nhóm doanh nghiệp xây dựng (15,63%); sản xuất, dịch vụ (19,52%); tổ chức tín dụng (9,69%); bất động sản (9,07%).
Bộ Tài chính xác định các khó khăn của riêng thị trường trái phiếu doanh nghiệp gồm: khối lượng phát hành trái phiếu mới sụt giảm; khối lượng mua lại tăng và có hiện tượng nhà đầu tư bán lại trái phiếu; khối lượng trái phiếu đến hạn trong thời gian tới lớn; doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền để cân đối nguồn lực thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn và huy động vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Ảnh minh họa |
Khả năng cân đối nguồn vốn của nhiều doanh nghiệp trở nên chật vật khi kênh trái phiếu gần như “đóng băng”, gánh nặng cung ứng vốn đè nặng hơn lên vai của hệ thống ngân hàng. Các chuyên gia khuyến nghị việc sửa đổi Nghị định 65 theo dự thảo Bộ Tài chính đề xuất là rất cần thiết và cần được ban hành càng sớm càng tốt.
TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, quy định trong dự thảo này giúp tạo thêm lòng tin của nhà đầu tư vào khả năng phục hồi của thị trường. Nhà đầu tư sẽ bắt đầu quay trở lại; nhà phát hành được giãn hoãn thời gian cũng dễ thở hơn để chờ đợi thời điểm giá trị tài sản phục hồi, từ đó bán bớt tài sản để xử lý nợ, tái cấu trúc.
Cùng chung đánh giá tích cực về dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65, ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán AIS đánh giá, nội dung sửa đổi Nghị định 65 khi áp dụng sẽ hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp phát hành, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp bất động sản có dư địa về không gian và thời gian để tái cơ cấu dòng tiền, ổn định tài chính...
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư FIDT đánh giá, đây là giai đoạn mà cơ quan quản lý cần động thái hỗ trợ cho thị trường tài chính, tạo nền tảng tâm lý ổn định hơn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng giải pháp đưa ra để vực dậy thị trường trái phiếu doanh nghiệp “là chưa đủ mạnh”, vì các đề xuất giãn, hoãn thời gian thực hiện Nghị định 65 chủ yếu là “đá quả bóng” về tương lai. Trong khi việc gia hạn thời gian đáo hạn của trái phiếu đã phát hành chủ yếu là thực hiện trên tinh thần tự thoả thuận giữa bên mua và bên phát hành là rất khó khăn, đồng thời việc hoán đổi giữa trái phiếu và các tài sản khác thì chưa có quy định pháp lý rõ ràng.
Cụ thể, việc mua lại trái phiếu trước hạn bằng phương thức đổi ngang giá sang các tài sản của doanh nghiệp như quyền sử dụng đất, nhà ở, căn hộ chung cư… trong nhiều trường hợp không được quy định cụ thể tại các điều khoản và điều kiện đã giao kết khi phát hành trái phiếu. Như vậy, tổ chức phát hành phải thực hiện thông qua thủ tục thông báo mua lại công khai, trong đó nêu rõ phương án mua lại, việc quy đổi trái phiếu, giá trị quy đổi… cho tất cả các trái chủ.
Một chuyên gia pháp lý cho rằng, để thực hiện đúng trình tự pháp luật và đảm bảo công bằng cho tất cả các trái chủ, việc sửa đổi, mở rộng và chi tiết hóa khâu thanh toán gốc, lãi trái phiếu, cụ thể hóa cơ chế thực hiện và sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước cũng cần được quy định cụ thể và rõ ràng, mà vấn đề này hiện vẫn đang bỏ ngỏ.