Vực dậy thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Bộ Tài chính khuyến cáo các chủ thể tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp | |
Trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh huy động vốn rất tiềm năng | |
Giải pháp cho trái phiếu doanh nghiệp |
Hiệu ứng xấu lan sang tài sản tốt
Thị trường tài chính Việt Nam năm 2022 đầy sóng gió với nhiều lãnh đạo cấp cao tại các tập đoàn lớn như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát bị khởi tố do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu doanh nghiệp. Những vụ việc kể trên đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với việc phát triển bền vững của thị trường vốn, mà người chịu thiệt hại nặng nề nhất là những nhà đầu tư cá nhân. Nhiều người không khỏi chua xót chia sẻ đã dồn hết tiền tiết kiệm vào trái phiếu.
Niềm tin của các nhà đầu tư cá nhân xuống thấp đến mức họ sẵn sàng bán các lô trái phiếu với mức chiết khấu lớn. Trên nhiều diễn đàn, không khó để tìm thấy các thông tin sẵn lòng “cắt lỗ” trái phiếu của nhiều doanh nghiệp với mức chiết khấu từ 10-15%.
Không phải trái phiếu doanh nghiệp nào cũng có chất lượng xấu. |
Chưa dừng lại ở đó, các nhà đầu tư còn sẵn sàng bán ra các chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu - những đơn vị vốn có danh mục tài sản trái phiếu từ các tổ chức phát hành có nền tảng kinh doanh tốt. Điều này thể hiện qua chỉ số NAV/CCQ của nhiều quỹ đầu tư trái phiếu sụt giảm rất mạnh.
Thống kê cho thấy, tại phiên 16/11, chỉ số NAV/CCQ của quỹ trái phiếu TCBF đạt 14.851,9 đồng/CCQ, đạt tỷ suất âm 10,41% trong 1 tháng trở lại đây và giảm 9,1% tính 3 tháng trở lại đây. Tương tự, xét trong 1 tháng vừa qua, NAV/CCQ của MBBBOND giảm 0,51%; Quỹ VNDAF giảm 9,76% và giảm 30,9% tính từ đầu năm 2022….
Trong khi đó, thực tế danh mục tài sản của các quỹ đầu tư trái phiếu trên đều được công khai và đó là những lô trái phiếu tốt, được phát hành bởi các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh, nền tảng cơ bản tốt… Thậm chí, trên thị trường đã xuất hiện thông tin quỹ đầu tư trái phiếu thuộc sở hữu của một công ty chứng khoán lớn Việt Nam có thể phải giải thể do nhà đầu tư lo ngại về thị trường trái phiếu đã rút vốn ồ ạt.
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc phân tích của một công ty chứng khoán nhận định, việc nhà đầu tư rút vốn ồ ạt rõ ràng đã khiến quỹ buộc phải bán các tài sản, đặc biệt là trái phiếu trong danh mục.
“Đây vốn là những tài sản đặc biệt khó bán và một số quỹ phải chấp nhận bán với mức giá chiết khấu lớn tới vài chục phần trăm, điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu suất đầu tư của họ”, ông nói.
Cần khôi phục niềm tin thị trường
Số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA) cho thấy, trong tháng 10/2022, không có trường hợp phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận, trong khi 2 tuần đầu tháng 11 chỉ có 2 đợt phát hành riêng lẻ giá trị 150 tỷ đồng. Tính chung từ đầu năm tới nay, phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm tới 53% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) ước tính, lượng trái phiếu đáo hạn trong quý IV/2022 là 85.000 tỷ đồng. Con số này trong năm 2023 và 2024 ước khoảng 790.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành.
Theo các chuyên gia, diễn biến hiện tại cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vẫn chưa được phục hồi. Một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán nhìn nhận, một số loại trái phiếu đã bị “bóp méo” phát hành, sử dụng sai mục đích trong mấy năm vừa qua, do đó đã tiềm ẩn nhiều rủi ro và để lại hậu quả ở thời điểm hiện tại.
“Việc lấy lại niềm tin khó có thể nhanh được và để tránh thiệt hại lớn thì các cơ quan liên quan có thể tạo thêm cơ chế, chẳng hạn giúp doanh nghiệp phát hành có thể bán tài sản, mua lại trái phiếu đã phát hành”, nhà đầu tư này đề xuất.
Việc vực dậy thị trường trái phiếu doanh nghiệp, qua đó góp phần khơi thông thị trường vốn, đã được Chính phủ giao trách nhiệm cụ thể đối với Bộ Tài chính tại Nghị quyết 143/NQ-CP ngày 4/11/2022 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2022. Theo đó, Chính phủ yêu cầu cơ quan này sớm báo cáo đánh giá từng loại trái phiếu, việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong quý IV/2022 và năm 2023, đề xuất giải pháp xử lý chủ động, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình; báo cáo Chính phủ sửa đổi các quy định nếu cần thiết.
Giới chuyên gia đánh giá, chỉ đạo này của Chính phủ đặt yêu cầu cho Bộ Tài chính phải hoạch định các giải pháp cấp bách, là rất phù hợp với tình hình thực tế. Bởi lẽ Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế khá tốt xét về trung, dài hạn, nhưng không thể xử lý vấn đề trước mắt cho doanh nghiệp.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế đánh giá, Nghị định này siết chặt điều kiện nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, khiến “chợ” chỉ còn người bán mà hầu như không có người mua. Vì vậy, ông Nghĩa khuyến nghị cần nới lỏng hoặc hoãn thực thi Nghị định 65 trong thời điểm hiện tại. Việc hoãn thực hiện tuy không thể giải quyết dứt điểm tình hình hiện nay, song sẽ là thông điệp cho thấy cơ quan quản lý có ý định hỗ trợ thị trường.
Nhìn nhận về vấn đề củng cố niềm tin, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đưa ra phương án chỉ đạo các đơn vị như SCIC, DATC, VAMC mua lại trái phiếu của các doanh nghiệp hạn chế năng lực tài chính để thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà đầu tư trái phiếu (chỉ hoàn trả được một phần trái phiếu đến hạn).
Ông Kiên phân tích, trên thực tế các giải pháp này tập trung vào gỡ vướng cơ chế để ổn định tâm lý nhà đầu tư. Việc Nhà nước tuyên bố sử dụng nguồn lực để can thiệp sẽ phát đi thông điệp mạnh mẽ để nhà đầu tư trái phiếu yên tâm và có thể lựa chọn có tiếp tục đầu tư trái phiếu hay không.
Có thể thấy, sự phát triển quá nóng của thị trường tài chính trong 3 năm vừa qua đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Các vụ lừa đảo trên thị trường ngoại hối, sập sàn bitcoin, giả mạo công ty chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp… là những trường hợp điển hình mà bên chịu thiệt hại rủi ro là những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Do đó, trong dài hạn, để thị trường vốn nói chung và trái phiếu doanh nghiệp nói riêng phát triển bền vững, cần nâng cao kiến thức tài chính cho người dân.
Kết luận phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện (tháng 8/2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu cần chú trọng công tác truyền thông, giáo dục để nâng cao kiến thức, hiểu biết tài chính, khả năng tư duy tài chính và kỹ năng tài chính cho người dân, để người dân thực sự là trung tâm, là chủ thể và được hưởng lợi trong thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.