Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Hạ tầng đồng bộ tạo động lực phát triển
Toàn cảnh Diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng - Phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long” |
Chiều ngày 10/6, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức Diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng - Phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long”.
Hạ tầng phát triển công nghiệp thiếu và lạc hậu
Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có vị thế hết sức quan trọng và có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế toàn diện. Chính vì vậy, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 đặt mục tiêu đến năm 2030 là mức tăng trưởng bình quân của khu vực phải đạt khoảng 6,5-7%/năm. Đây là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới nhằm khai thác và phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển nhanh và bền vững của các địa phương trong Vùng.
Ông Nguyễn Tường Văn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết trong những năm gần đây, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Vùng Đồng bằng sông Cửu Long được quan tâm, đẩy mạnh, đã đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực. Hệ thống giao thông và các loại hình giao thông được quan tâm đầu tư mới và chú trọng hơn về sự đồng bộ, tính kết nối, liên thông. Tỷ lệ đô thị hóa tăng lên, chất lượng đô thị trong Vùng từng bước được cải thiện, đảm bảo tốt hơn điều kiện sống cho người dân.
“Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực đạt được, hạ tầng kỹ thuật Vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa đạt được yêu cầu phát triển như mong muốn và nhìn chung vẫn còn là một điểm nghẽn cho sự phát triển của toàn Vùng”, ông Nguyễn Tường Văn nhận định.
Có cùng quan điểm trên, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, GRDP bình quân đầu người của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn mức bình quân chung cả nước, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, thiếu các hạ tầng quan trọng làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng như chưa có cảng đầu mối, chưa có trung tâm logistics lớn cấp vùng, hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp thiếu và lạc hậu; một số địa phương trong khu vực còn là vùng trũng y tế, giáo dục của cả nước.
Nhận thức đúng vai trò, vị trí của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, cũng như vai trò quan trọng của phát triển kết cấu hạ tầng, nhưng do tồn tại, hạn chế của hệ thống kết cấu đối với sự phát triển của Vùng, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo, định hướng về chiến lược vĩ mô, các chủ trương, chính sách trọng tâm cho phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Trần Việt Trường, UBND TP. Cần Thơ ban hành kế hoạch thực hiện với mục tiêu đến năm 2030 Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phấn đấu xây dựng Cần Thơ là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết Hậu Giang tiếp giáp với TP. Cần Thơ - trung tâm Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gần sân bay, cảng biển... nên tỉnh có nhiều lợi thế trong phát triển bất động sản công nghiệp, đô thị, logistics…
Định hướng Chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hậu Giang xác định muốn phát triển nhanh và bền vững phải dựa vào 4 trụ cột. Theo đó, Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04 về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Trong các nhóm giải pháp thì thu hút đầu tư là then chốt, với kỳ vọng thu hút ngày càng nhiều các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước xây dựng hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội cho tỉnh.
”Hậu Giang sẽ nỗ lực đầu tư xây dựng hạ tầng để phát triển kinh tế”, ông Đồng Văn Thanh nhấn mạnh.
Xây dựng hạ tầng phải tính đến bảo tồn
PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng để phát triển bền vững, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần những năng lực tư duy mới, cách tiếp cận phát triển mới. Ưu tiên bậc nhất là để giữ đất, giữ nước và để “thuận thiên”. Nguồn lực cần tiếp tục được nuôi dưỡng cấu trúc kinh tế - xã hội hiện có, để tiếp tục tiến lên. Đô thị hóa đang cần nhiều vật liệu nhưng các con sông bị ảnh hưởng do khai thác cát. Xây dựng hạ tầng phải tính đến bảo tồn để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, xứng tầm. Tầm nhìn dựa trên hai giải pháp chiến lược chính: Quản lý thách thức và tạo giá trị. Bên cạnh đó, phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững; hình thành các hành lang kinh tế và chuỗi đô thị động lực, tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với bảo tồn tài nguyên, hệ sinh thái...
Ông Trần Việt Trường đề nghị Bộ Xây dựng quan tâm phối hợp hỗ trợ hướng dẫn TP. Cần Thơ thực hiện rốt ráo thủ tục thành lập trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại TP. Cần Thơ theo tinh thần Nghị quyết số 45 của Quốc hội để thành phố tổ chức triển khai thực hiện các thủ tục tiếp theo nhằm sớm mời gọi nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án.
Đồng thời, Bộ Xây dựng ưu tiên phối hợp tham mưu trình Chính phủ xem xét chấp thuận sớm chủ trương đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ đạt chuẩn cấp vùng, cấp khu vực, kết hợp xây dựng thêm Cảng Cargo Logistcs phục vụ hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không, phù hợp Quy hoạch hệ thống cảng hàng không quốc gia. Đây là điều kiện tiên quyết để thành phố làm cơ sở quy hoạch thành phố sân bay với quy mô diện tích khoảng 10.000 ha.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hiện nay, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 13 địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng 16 đề xuất dự án với tổng mức đầu tư 94.328 tỷ đồng. Số liệu nghiên cứu cho thấy, Đồng bằng sông Cửu Long luôn có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước từ 1,3-1,5 lần. Cùng với đó, hạ tầng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng liên tục được đầu tư mạnh mẽ. |