Xây dựng hạ tầng số cho các doanh nghiệp
Số hóa giúp quá trình ra quyết định nhanh hơn | |
Ngân hàng tự động: Nhân tố mới trên đường đua số hóa |
Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên số, xã hội số và trong vòng 10 năm tới, thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến những chuyển đổi lớn của xã hội loài người. Đó là sự chuyển dịch từ thế giới thực sang thế giới ảo, sự chuyển đổi toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội sang môi trường số. Như vậy, dữ liệu sẽ trở thành một nguồn tài nguyên quan trọng của mỗi quốc gia, nguồn lực này có một đặc tính là càng nhiều người dùng thì càng hiệu quả và càng nhiều. Kết nối toàn cầu sẽ không chỉ còn là kết nối truyền thống giữa người với người mà sẽ có sự phát triển mạnh mẽ của kết nối vạn vật, vật với vật và người với vật.
VNPT hướng tới khối doanh nghiệp vừa và nhỏ |
Theo ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), hạ tầng viễn thông đang trở thành hạ tầng nền tảng cho kinh tế số, xã hội số, chính phủ số phát triển. Theo Bộ TT&TT, khái niệm hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng và các nền tảng như IoT, AI, Big Data, an ninh mạng, định danh số và thanh toán điện tử. Trong đó, hạ tầng di động băng rộng 5G và hạ tầng băng rộng cố định sẽ đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam.
Một nghiên cứu của Viện Chiến lược thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), tỷ lệ đóng góp của 5G vào tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt 7,34% vào năm 2025. Thế giới cũng cho rằng, cứ tăng thêm 10% thuê bao băng rộng thì GDP sẽ tăng tương ứng 0,1%.
Việt Nam đã xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một trong những đột phá chiến lược của giai đoạn phát triển 10 năm tới nhằm đưa đất nước phát triển bứt phá và sớm nằm trong top các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, trở thành nước công nghiệp có thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh đó, Bộ TT&TT xác định sẽ đi cùng nhịp với thế giới cũng như chủ động phát triển hạ tầng số, trong đó có phát triển mạng di động băng rộng 5G tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam với tiềm lực kinh tế và công nghệ của mình đang thực hiện sứ mệnh tạo hạ tầng số, nền tảng số phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Đó không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là con đường để các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, góp phần xây dựng đất nước.
Đặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng, bùng phát toàn cầu, chuyển đổi số càng được các tổ chức, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng nhằm ứng phó những khó khăn do dịch bệnh gây ra; đồng thời tăng hiệu quả hoạt động cũng như tiết kiệm chi phí. Nhưng chuyển đổi số cũng sẽ là thách thức, nếu doanh nghiệp không thay đổi kịp để phù hợp sự tiến bộ của công nghệ, khoa học kỹ thuật; áp dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo lợi thế cạnh tranh, gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng.
Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (VINASA), hiện chỉ có khoảng 15% doanh nghiệp trong nước đang thực sự triển khai các bước để chuyển đổi số. Bên cạnh, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa lại chưa được hưởng nhiều thành quả từ chuyển đổi số. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và siêu nhỏ đang chiếm đến 96,7% số doanh nghiệp tại Việt Nam, hiện đóng góp khoảng 40% GDP và giải quyết 60% nhu cầu việc làm trong nước. Song do nguồn vốn đầu tư cho chuyển đổi số của nhóm doanh nghiệp này còn hạn chế nên chưa thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của các nhà cung cấp giải pháp. Ngoài ra, sự phân mảnh tại nhiều nơi khiến việc phân phối và triển khai công nghệ tại những doanh nghiệp này khó và tốn kém hơn thông thường.
Ông Huỳnh Quang Liêm, Quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, nhằm chia sẻ tầm nhìn, hợp lực hướng tới mục tiêu cung cấp trọn gói bộ giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho khách hàng doanh nghiệp, trọng tâm hướng tới khối doanh nghiệp vừa và nhỏ - đơn vị có đặc tính linh hoạt, nhanh nhạy và sẵn sàng thay đổi để cải tiến mô hình kinh doanh, VNPT vừa kết nối cùng Hội Tin học TP. HCM (HCA), thông qua mạng lưới bán hàng rộng khắp 63 tỉnh, thành phố của VNPT để tiếp cận với khách hàng một cách nhanh nhất, từ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp đến các bộ, ban, ngành.
Để làm được điều đó, VNPT mong muốn được hợp tác nhiều hơn với các doanh nghiệp công nghệ số. Được biết, hiện TP. HCM đang thúc đẩy chuyển đổi số ở mọi lĩnh vực. Trong đó chuyển đổi số mảng doanh nghiệp đang được TP. HCM rất quan tâm, vì điều này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, đạt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 25% tổng thu nhập của TP. HCM.
VNPT đã chọn hợp tác với TP. HCM về công nghệ thông tin vì đây là địa bàn có rất nhiều doanh nghiệp sáng tạo theo cách riêng của mình, sẽ là chuỗi các doanh nghiệp công nghệ số góp phần đẩy nhanh cũng như phát huy hiệu quả tiến trình chuyển đổi số quốc gia, ông Huỳnh Quang Liêm khẳng định.