Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến các điểm cầu của 63 tỉnh, thành ủy, đang và các điểm cầu ban, bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Trung ương. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị. Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành liên quan ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên và đội ngũ doanh nhân. Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên và đội ngũ doanh nhân trong triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết.
Đồng chí Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì Hội nghị |
Góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh
Tại Hội nghị các đại biểu đã nghe ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương báo cáo nội dung chủ yếu của Nghị quyết 41; đánh giá tình hình kết quả hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; dự báo và phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế, làm rõ các yêu cầu đặt ra đối với phát triển doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh mới...
Nghị quyết 41 được kết cấu gồm 4 phần có liên quan chặt chẽ với nhau: Phần I: Tình hình thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị Khóa XI; Phần II: Quan điểm, mục tiêu; Phần III: Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; Phần IV: Tổ chức thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội nghị |
"Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết đồng lòng của cả nước, nhất định Nghị quyết 41 sẽ sớm đi vào cuộc sống để góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước”, đồng chí Nguyễn Đức Hiển tin tưởng.
Cụ thể hóa Nghị quyết để nhanh chóng triển khai
Báo cáo về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 41, đồng chí Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngay sau Nghị quyết số 41, Chính phủ ngày 9/5/2024 đã ký ban hành Nghị quyết số 66-NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ để triển khai thực hiện.
Đồng chí Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Chương trình hành động đã xác định các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tổ chức triển khai nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 41 trên tinh thần đồng hành cùng doanh nhân, doanh nghiệp; lấy doanh nhân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nhân đầu tư, kinh doanh, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Quán triệt các mục tiêu tổng thể đề ra tại Nghị quyết 41, Chương trình hành động của Chính phủ đặt các mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2030: Có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65 - 70% GDP cả nước, khoảng 32 - 38% tổng việc làm trong nền kinh tế, 98 - 99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu; Có ít nhất 70 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường đạt trên 1 tỷ USD, 120 doanh nghiệp có doanh thu thuần đạt trên 1 tỷ USD và 100 doanh nghiệp đạt lợi nhuận trước thuế trên 100 triệu USD; Có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú đô la Mỹ thế giới, 05 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn…
Các đại biểu dự Hội nghị từ điểm cầu Ngân hàng Nhà nước |
Phấn đấu đến năm 2045: Một số doanh nhân làm chủ các tập đoàn có khả năng dẫn dắt các chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, tiến tới hình thành một số chuỗi giá trị của Việt Nam trong các ngành ưu tiên, có thế mạnh của đất nước. Hình thành và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín trong khu vực và quốc tế.
Điểm cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, để đạt được các chỉ tiêu cụ thể nêu trên, trong thời gian tới, Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương, VCCI, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước; Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện chính sách pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển, cống hiến; Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường sự đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức; Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát huy vai trò của VCCI, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt nam và các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp; Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.
Để đảm bảo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chương trình hành động, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách trước ngày 1/7/2024; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, Chương trình hành động của Chính phủ (Nghị quyết số 66) đã quán triệt và cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 41. “Với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực, chủ động của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, chúng ta sẽ xây dựng và phát triển được đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, hình thành được lực lượng doanh nghiệp dân tộc có uy tín, vị thế trong khu vực và thế giới. Các doanh nhân, doanh nghiệp sẽ là một trong những lực lượng nòng cốt thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; góp phần thực hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra”.
Thêm động lực, niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp
Tại Hội nghị, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI báo cáo Chương trình hành động của Đảng đoàn VCCI thực hiện Nghị quyết 41. Theo đó, đưa ra các mục đích yêu cầu và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện. Trong đó, Chương trình nhấn mạnh phải thể hiện vai trò của VCCI là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam nhằm mục đích phát triển, bảo vệ và hỗ trợ đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI |
Về nhiệm vụ, giải pháp, căn cứ vào 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 41 và Chương trình hành động của Chính phủ, Chương trình hành động của Đảng đoàn VCCI đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp và xác định những cơ quan, đơn vị cụ thể sẽ phụ trách triển khai các nhiệm vụ này. Các Hội đồng doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp thành viên và Ban Công tác Hội viên VCCI sẽ tổ chức phổ biến, triển khai Nghị quyết 41, Chương trình hành động này tới các hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trong cả nước.
Khẳng định Nghị quyết số 41 đã tạo thêm động lực, niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển và cống hiến, Chủ tịch VCCI tin tưởng cùng với Chương trình hành động của Chính phủ,sau Hội nghị này, tất cả các đơn vị sẽ quan tâm xây dựng chương trình hành động, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.
Cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Những năm qua, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không chỉ tăng nhanh về số lượng mà còn nâng cao năng lực, trình độ quản lý và trách nhiệm xã hội; có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương |
Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam hiện nay; đặt ra những yêu cầu về việc xây dựng và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời gian tới. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết 41 đã đề ra; chú trọng hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Đồng thời đề nghị mỗi doanh nhân phải luôn đề cao đạo đức, văn hoá kinh doanh, tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần vì cộng đồng, tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước; ngoại giao kinh tế, đối ngoại nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hoá Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam ra thế giới.
“Tôi tin tưởng rằng, sau Hội nghị này, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và đồng lòng của người dân, Nghị quyết số 41 sẽ sớm đi vào cuộc sống, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tin tưởng.Liên quan đến nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện chính sách pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển, cống hiến, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 41 giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoàn thiện Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng; tiếp tục hướng dẫn, khuyến khích các tổ chức tín dụng nghiên cứu, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp hoạt động tại các địa bàn biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và phù hợp với các phương thức sản xuất kinh doanh mới. |