Xu hướng thuê văn phòng tại TP.HCM thay đổi sau giãn cách
Vào đầu tháng 10, mặc dù các công ty đã bắt đầu khởi động cho nhân viên quay trở lại văn phòng, tuy nhiên việc bố trí số lượng làm việc vẫn còn hạn chế vì phải đảm bảo các yêu cầu an toàn trong phòng chống dịch.
Với tình hình như vậy, các chủ nhà hầu hết đều có chính sách hỗ trợ khách như giảm 20-50% giá thuê và phí dịch vụ cho khách văn phòng, hoặc áp dụng chính sách tái kí hợp đồng thuê, với mức tăng thấp hơn giai đoạn trước dịch.
Số lượng yêu cầu tìm mặt bằng thuê gần như đóng băng trong 2 tháng đầu của Chỉ thị 15 và dần có dấu hiện hồi phục khi TP.HCM đưa ra thông báo sẽ gỡ bỏ giãn cách từ tháng 10/2021 |
Số lượng giao dịch thuê văn phòng ước tính giảm khoảng 30% so với trung bình hai quý trước và chủ yếu là giao dịch chuyển văn phòng.
Dựa trên thống kê giao dịch của CBRE, giao dịch chuyển văn phòng chiếm hơn 40% tổng số lượng giao dịch trong quý, các giao dịch mở rộng, tái ký hợp đồng và cho thuê mới chiếm từ 15-20% tổng giao dịch.
Ba ngành có giao dịch tích cực nhất, bao gồm công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, sản xuất, chiếm gần 80% tổng diện tích giao dịch.
Điều đáng chú ý, mặc dù với tình hình giãn cách nghiêm ngặt, không như năm ngoái, các khách thuê và chủ nhà đã có sự thích ứng tốt hơn, và trong quý III không ghi nhận giao dịch trả hoặc thu hẹp mặt bằng nào từ các toà nhà văn phòng hạng A và B tại TP.HCM.
Số lượng yêu cầu tìm mặt bằng thuê gần như đóng băng trong 2 tháng đầu của Chỉ thị 15 và dần có dấu hiện hồi phục khi TP.HCM đưa ra thông báo sẽ gỡ bỏ giãn cách từ tháng 10/2021.
Theo ghi nhận của CBRE, công ty có quy mô nhỏ và vừa đang tận dụng thị trường với mức giá thuê giảm để tìm mặt bằng mới có thể sử dụng được ngay trong quý tới.
Còn đối với các khách thuê là tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia lại chú trọng nghiên cứu thị trường trong giai đoạn 5-10 năm tới, để đưa ra những thay đổi phù hợp mang tính tái cấu trúc cho hệ thống văn phòng của họ. Ngoài số lượng và vị trí, còn có sự quan tâm nhất định về xu hướng không gian làm việc chung, sức khỏe, bảo vệ môi trường…
Trong quý III/2021, thị trường văn phòng cho thuê TP.HCM không có dự án mới và tổng nguồn cung thị trường giữ nguyên ở mức 1.433.327 m2 diện tích cho thuê. Tỷ lệ trống cho hạng A và hạng B lần lượt là 10,8% và 9,8%. Diện tích hấp thụ toàn thị trường đạt 4.892 m2, tuy không nhiều nhưng vẫn khá lạc quan, nhất là trong giai đoạn khó khăn vừa qua.
Tỷ lệ trống hạng A tiếp tục giảm 1,5% so với quý trước, chủ yếu nhờ vào những tòa nhà mới hoạt động ở quận 7, cũng như những tòa nhà tại quận 1 đang có giá thuê thấp hơn so với giai đoạn trước dịch.
Trong khi đó, tỷ lệ trống hạng B tăng nhẹ 0,2% so với quý trước, đa số đến từ những dự án quy mô nhỏ và có vị trí ngoài cụm văn phòng truyền thống. Trái lại, các dự án có vị trí gần trung tâm như quận Bình Thạnh, quận 10 và khu vực Thủ Thiêm, vẫn ghi nhận diện tích cho thuê mới tăng trong quý.
Xét về giá thuê, giá thuê cho hạng A và hạng B tăng lần lượt 0,4 và 0,1% so với quý trước và đạt mức 41,7 USD và 25,1 USD/m2/tháng.
Dự báo, trong ba tháng cuối năm 2021, thị trường dự định chào đón thêm 3 dự án hạng B với tổng diện tích cho thuê là 34.500 m2. Từ năm 2022 trở đi, thị trường sẽ có thêm hơn 300.000 m2 nguồn cung hạng A, tiêu biểu khu vực gần sân bay, quận 1, cũng như Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, CBRE Việt Nam, thị trường TP.HCM vẫn đang hưởng lợi từ việc nguồn cung mới hạn chế và đang ghi nhận những dấu hiệu hồi phục chậm nhưng tích cực. Đại dịch đang làm thay đổi xu hướng thuê mặt bằng của các khách thuê là công ty lớn, đa quốc gia.
Chủ đầu tư của những dự án văn phòng hạng A dự kiến hoàn thành trong 3 năm tới cần nghiên cứu để có chiến lược phát triển phù hợp, đầu tư nhiều hơn những tính năng, yếu tố tích hợp liên quan đến môi trường, sức khỏe và an toàn không gian làm việc để thị trường phát triển bền vững và theo xu hướng chung của khu vực.