Xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm tăng mạnh
Xuất khẩu gạo năm 2023 có thể đạt 6,5-7 triệu tấn Xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm: Giảm về khối lượng nhưng tăng về giá trị Xuất khẩu gạo thuận lợi khi cung thấp hơn cầu |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp để bàn về thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo. |
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Công điện số 610 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 6/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã chủ trì cuộc họp để bàn về vấn đề này.
Xuất khẩu gạo sang hầu hết thị trường đều tăng mạnh
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 năm gần đây (từ năm 2018 đến năm 2022), xuất khẩu gạo duy trì khối lượng trên 6 triệu tấn và có xu hướng tăng trưởng qua các năm (lần lượt đạt 6,1 triệu tấn, 6,36 triệu tấn, 6,24 triệu tấn, 6,23 triệu tấn và 7,1 triệu tấn) với giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD mỗi năm.
Năm 2022, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 7,1 triệu tấn, tăng 16,3% so với năm 2018, giá trị xuất khẩu đạt 3,45 tỷ USD tăng 12,7% so với năm 2018.
Xuất khẩu gạo trong tháng 6/2023 ước đạt 650 nghìn tấn với giá trị 383 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,27 triệu tấn và 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang hầu hết thị trường đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất trong 5 tháng đầu năm với khối lượng đạt 1,53 triệu tấn, trị giá 772,4 triệu USD, tăng 20,7% về lượng và tăng tới 31,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, thị phần chiếm đến 40,3% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Còn Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai với khối lượng đạt 632.469 tấn (tăng 62,8%), trị giá 364,17 triệu USD (tăng 79,2%), thị phần chiếm 19%. Indonesia là thị trường bất ngờ vươn lên vị trí số 3 về thị trường xuất khẩu gạo trong 5 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam với khối lượng đạt 369.032 tấn, tăng 1.498% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, xuất khẩu gạo sang một số thị trường khác cũng tăng rất mạnh trong 5 tháng đầu năm, như Đài Loan tăng 142,3%, Senegal tăng 1.147%, Chilê tăng 4.120%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 15.972%...
Xuất khẩu gạo sang một số thị trường tại EU cũng tăng trưởng ở mức ba con số như Ba Lan tăng 117,4%, Bỉ tăng 164,9%, Tây Ban Nha tăng 307,6%...
Theo ông Tiệp, gạo trắng là chủng loại được xuất khẩu nhiều nhất, 5 tháng đầu năm 2023 khối lượng đạt 2,1 triệu tấn (tăng 60,2%), trị giá hơn 1 tỷ USD (tăng 74%), chiếm đến 57% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước (tăng so với tỷ trọng 47% của cùng kỳ). Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tăng cao từ thị trường Philippines và Indonesia.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, cho biết tính đến ngày 23/6, gạo 5% tấm của Việt Nam có giá 503 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với 10 ngày trước đó, bằng với giá gạo 5% tấm của Thái Lan và cao hơn khoảng 15 USD/tấn so với gạo cùng loại của Ấn Độ.
Trong tháng 5, giá gạo xuất khẩu của nước ta đạt bình quân 539 USD/tấn, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân 5 tháng đầu năm, giá gạo xuất khẩu đạt 529 USD/tấn, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhiều quốc gia ưa chuộng gạo chất lượng cao của Việt Nam
Bà Bùi Thị Thanh Tâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho hay những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Úc và một số thị trường mới mở ở các nước khu vực Trung Đông tạo ra cơ hội gia tăng xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao khi người tiêu dùng đang rất ưa chuộng các loại gạo này của Việt Nam.
Việt Nam vẫn chiếm thị phần lớn tại thị trường Philippines do khách hàng đã quen với chất lượng gạo Việt và gạo Việt Nam có lợi thế về logistics hơn so với các nguồn cung khác.
Triển vọng ngành gạo được đánh giá là tương đối tích cực trong 6 tháng cuối năm, do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sản xuất tại châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm sau tác động của El Nino. |
Bên cạnh đó, nhu cầu tại các thị trường truyền thống như Indonesia tăng trở lại. Trung Quốc đã mở cửa thị trường sau dịch Covid-19, nhu cầu nhập khẩu dự báo quay trở lại như các năm.
Đối với thị trường EU, theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam được cấp hạn ngạch 80.000 tấn, trong đó 30.000 tấn gạo trắng, 30.000 gạo thơm, 20.000 tấn gạo lứt.
"Do đó, các đơn hàng gạo xuất khẩu nếu nằm trong danh mục trên thì được miễn thuế 175 EUR/tấn. Đây là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp nhập khẩu", ông Hòa cho biết.
Tuy nhiên, sản xuất lúa gặp nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino, xâm nhập mặn, tác động từ xung đột Nga - Ukraine, dự báo nắng hạn tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Ông Lê Thanh Hòa dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục chậm lại do nguồn cung từ vụ Đông Xuân đã cạn. Tuy nhiên, triển vọng ngành gạo được đánh giá là tương đối tích cực trong 6 tháng cuối năm do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sản xuất tại châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm sau tác động của El Nino, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu cũng như giá gạo trên thị trường quốc tế.
"Để phát triển thị trường xuất khẩu gạo, Việt Nam cần căn cứ nhu cầu, thị hiếu của thị trường để định hướng cho sản xuất và xuất khẩu”, ông Lê Minh Hoan nói và thêm rằng Bộ sẽ đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các thị trường đang tăng cường nhập khẩu gạo để dự trữ. Do đó, để tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần phải tính toán, đưa ra ngay một chiến lược, kế hoạch trong ngắn hạn để tận dụng thời cơ này...