Xuất khẩu rau quả nỗ lực về đích
Xuất khẩu rau quả kỳ vọng bứt phá Xuất khẩu rau quả có tín hiệu tích cực Xuất khẩu gạo, rau quả tăng đột biến Xuất khẩu rau quả sẽ cán đích 5 tỷ USD |
Công ty TNHH Gia Phạm (Tiền Giang) - doanh nghiệp chế biến sâu mặt hàng rau quả và đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch - đang căng sức để kịp đáp ứng các đơn hàng dịp cuối năm. Ông Phạm Hữu Nghĩa, Giám đốc công ty cho biết, đơn hàng của hầu hết các mặt hàng đều tăng từ 30% trở lên so với giai đoạn trước. Hiện, mỗi ngày công ty sản xuất hơn 20 tấn rau quả.
Sơ chế rau quả xuất khẩu |
Tương tự, nhiều dây chuyền sản xuất của CTCP Rau quả thực phẩm An Giang cũng đang làm việc 3 ca mỗi ngày để đảm bảo sơ chế số lượng thu hoạch khoảng 120-150 tấn rau quả. Đây là tình hình chung của nhiều doanh nghiệp ngành rau quả ở thời điểm hiện tại, khi tiêu dùng đang bước vào giai đoạn tăng trưởng do một số thị trường nước ngoài đã bước vào mùa đông - mùa khan hiếm rau quả nội địa.
Với bối cảnh tích cực đó, tính đến hết tháng 10/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta đã đạt 4,9 tỷ USD và dự báo cả năm 2023 có thể đạt khoảng 6 tỷ USD. So với mục tiêu của Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030 là xuất khẩu rau quả đạt 5 tỷ USD vào năm 2025, thì chỉ trong năm nay ngành hàng này có thể sẽ “về đích” trước 2 năm bởi nhu cầu thị trường còn cao trong khi sản lượng sản xuất trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt thêm 230 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam, nâng tổng số lên 343 cơ sở được cấp phép. Đây cũng chính là động lực lớn cho tăng trưởng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này.
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong tháng 10/2023 đạt mức cao kỷ lục khoảng 500 triệu USD. Lũy kế 10 tháng năm 2023, giá trị sầu riêng xuất khẩu lên tới 2,2 tỷ USD. Dự báo trong hai tháng cuối năm, Việt Nam có thể thu về khoảng 200 - 300 triệu USD chỉ từ xuất khẩu sầu riêng, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm lên 2,4 - 2,5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, bưởi cũng trở thành điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu rau quả. Theo thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu trái bưởi đạt khoảng 30 triệu USD, tăng 144% so với cùng kỳ 2022, mức tăng mạnh nhất trong vòng 5 năm qua.
Hiện Trung Quốc vẫn đang là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam khi chiếm tới gần 65% kim ngạch, đạt 3,2 tỷ USD, tăng 164,7% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, mặt hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Hà Lan, UAE cũng tăng đáng kể trong 10 tháng năm 2023.
Dù tình hình xuất khẩu ghi nhận những điểm tích cực, tuy nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn được khuyến cáo cần kiểm soát tốt chất lượng các mặt hàng, bảo đảm chặt chẽ các quy định về phía nhập khẩu.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, hiện đã có một số thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc liên quan đến vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này. Đối với các trường hợp vi phạm quy định kiểm dịch thực vật theo thông báo từ phía Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ tạm dừng đối với các mã số liên quan để điều tra nguyên nhân và áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp.
Liên minh châu Âu (EU) từ đầu năm đến nay cũng đã đưa ra gần 3.900 cảnh báo về an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu, trong đó có 55 cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm từ Việt Nam. Rau quả là nhóm hàng bị cảnh báo nhiều nhất với 23 trường hợp, tiếp đó là sản phẩm thủy sản và các sản phẩm chế biến khác. Trong đó, vi phạm do dư lượng hóa chất chiếm cao nhất với gần 60%.
Ông Đặng Phúc Nguyên khuyến cáo các doanh nghiệp và các địa phương cần kiểm soát tốt chất lượng để hạn chế tối đa tình trạng gian lận mã số vùng trồng, ảnh hưởng đến thương hiệu rau quả Việt Nam xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm dịch từ các thị trường nhập khẩu.