Xuất khẩu rau quả có tín hiệu tích cực
Trong tháng 6/2023, Đồng Nai công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên (gồm 360 tấn) theo Nghị định thư ký kết giữa cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc. Dự kiến trong năm nay, địa phương này sẽ xuất 20 nghìn tấn sầu riêng từ 11 vùng trồng, với tổng diện tích 820 ha. Trung Quốc hiện chiếm đến 95% sản lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam.
Theo các doanh nghiệp, việc Trung Quốc tăng thu mua rau quả đã thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Đặc biệt, các nghị định thư đã ký với nước này trong năm ngoái đã giúp hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam có nhiều thuận lợi. Với kết quả rất tích cực trong 6 tháng đầu năm, Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo năm nay kim ngạch xuất khẩu ngành rau quả có thể đạt mốc 5 tỷ USD, trong đó sầu riêng sẽ trở thành mặt hàng “tỷ USD” ngay trong năm đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, xuất khẩu rau quả có thể đạt gần 1 tỷ USD trong tháng 6, ước tăng gần 282% so với tháng 6/2022. Đây là con số kỷ lục, chưa từng có trong lịch sử hơn 30 năm ngành hàng này tham gia xuất khẩu.
Nhận định thêm về khả năng tăng trưởng của ngành xuất khẩu rau quả, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, thời điểm này nhiều loại trái cây Việt Nam bước vào vụ thu hoạch nên lượng xuất khẩu dễ đạt mức cao. Hơn thế, hiện người làm vườn Việt Nam đã có thể sản xuất rải vụ nên xuất khẩu rau quả năm nay được đánh giá còn nhiều dư địa. Đặc biệt, vú sữa, chôm chôm gần như có thể sản xuất quanh năm, nên giá bán cũng khá cao.
Theo ước tính của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chỉ riêng 5 loại trái cây gồm thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn, diện tích rải vụ đã chiếm trên 62% tổng diện tích thu hoạch, sản lượng rải vụ chiếm trên 54% tổng sản lượng.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu số 1 của mặt hàng rau quả Việt Nam, luôn chiếm gần 60% thị phần, thứ hai là Mỹ, sau đó là Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Thái Lan, Đài Loan… Hiện Việt Nam đang đề nghị phía Trung Quốc mở cửa cho các mặt hàng rau quả khác như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, chanh, dứa, vú sữa… nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu rau quả sang thị trường này.
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam cho thấy có nhiều cơ hội để tiếp tục tăng trưởng cao và vươn xa khi gần đây liên tiếp đón nhận những thông tin tích cực ở các thị trường nhập khẩu, mở ra bước ngoặt lớn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Ông Đặng Phúc Nguyên nhận định, ngành rau quả sẽ tiếp tục đà tăng trưởng cao trong những tháng tới do sản lượng rau quả trong nước và nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia trên thế giới đều tăng.
“Tuy nhiên, thách thức đặt ra là đòi hỏi các địa phương, doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt thông tin, thị hiếu và nhu cầu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, kịch bản tiêu thụ, xúc tiến thương mại đối với từng loại sản phẩm có sản lượng lớn vào chính vụ”, ông Nguyên lưu ý.