Xuất khẩu rau quả kỳ vọng bứt phá
2023 sẽ là một năm thách thức với doanh nghiệp dệt may | |
Xuất khẩu thủy sản cầm cự chờ thời | |
Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường CPTPP tăng mạnh |
Vào những ngày cuối tháng 12/2022, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tổ chức kiểm tra trực tuyến 6 mã số vùng trồng sầu riêng (giống R6, Monthong) với diện tích gần 167 ha ở xã Mỹ Hiệp và xã Bình Thạnh, (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) để xem xét cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đây là điều kiện cần và đủ để trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, đồng thời cũng là điều kiện quan trọng để được hưởng những ưu đãi về thuế suất từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, giúp nông dân tiêu thụ số lượng nông sản lớn khi đến mùa vụ, tránh rủi ro.
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc. |
Trên thực tế, hy vọng lớn của xuất khẩu rau củ quả Việt vẫn nằm ở thị trường chủ lực là Trung Quốc. Với thị trường này, Việt Nam có 4 mặt hàng có nghị định thư (sầu riêng, chuối, khoai lang, chanh dây mới xuất thí điểm). Dự kiến, trong năm 2023, Việt Nam sẽ đàm phán 8 mặt hàng như thanh long, dưa hấu, xoài…
Tính đến nay, đã có 113 mã số vùng trồng trong cả nước được chấp thuận, đáp ứng tốt các yêu cầu của Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng xuất khẩu và được phép xuất khẩu sầu riêng dạng quả tươi sang Trung Quốc.
Ở góc độ doanh nghiệp xuất khẩu, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, cho rằng sầu riêng của Việt Nam có lợi thế nhất định về vận chuyển sang Trung Quốc so với đối thủ cạnh tranh là Thái Lan nên hy vọng sẽ mang lại lợi nhuận và doanh số lớn cho ngành rau quả trong thời gian tới. Mỗi năm Trung Quốc nhập một lượng lớn sầu riêng với kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD.
Ngoài ra, không thể không kể đến triển vọng lớn về xuất khẩu bưởi trong năm 2023 khi loại quả này đã được phép xuất khẩu chính ngạch vào Mỹ và New Zealand trong năm 2022.
Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan, rau quả Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất đến 10 thị trường chính, gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan, Úc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Lào.
Gần đây, Hải quan Trung Quốc đã thông báo gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm axit nucleic phòng chống Covid-19 tại các cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu từ ngày 8/1/2023, (bao gồm cả hàng hóa đông lạnh).
Trong khi đó, Hoa Kỳ cũng chính thức mở cửa cho trái bưởi của Việt Nam; quả nhãn, mắc ca cũng được Nhật Bản cho phép nhập khẩu; Newzeland mở cửa cho trái chanh xanh của Việt Nam… Đây đều là các thị trường tiêu thụ khó tính và xuất khẩu được vào các thị trường này thì cơ hội cho ngành hàng rau quả của Việt Nam ngày càng mở rộng.
Về triển vọng thị trường xuất khẩu rau quả Việt Nam thời gian tới, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dự báo năm 2023 sẽ là năm bùng nổ của ngành rau quả. Cùng với đó, những khó khăn về logistics, về vận chuyển được tháo gỡ, giá cước càng ngày càng giảm thì việc xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sẽ càng có nhiều thuận lợi.
Trong năm 2023, các thị trường mới mở ra thông qua Nghị định thư cũng như với 15 FTA mà Việt Nam đã tham gia chắc chắn sẽ tạo ra động lực lớn cho xuất khẩu rau quả. Kim ngạch xuất khẩu rau củ quả năm 2023 được dự báo có thể đạt tăng trưởng ít nhất 20% so với năm 2022 để đạt khoảng 4 tỷ USD.
Tuy nhiên, để được như kỳ vọng thì các doanh nghiệp phải đảm bảo về an toàn thực phẩm vốn là mối lo trong nhiều năm nay.