Xuất khẩu vải thiều và thách thức bảo quản
Theo ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đây là tin vui cho quả vải, làm cơ sở để rộng đường xuất khẩu hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, để quả vải mang lại giá trị cao và lợi nhuận lớn cho người sản xuất, kinh doanh, cần tháo gỡ những nút thắt và khó khăn về bảo quản, trọng lượng…
Nếu không có phương pháp bảo quản với chi phí phù hợp, người kinh doanh vải sẽ không có lãi |
Là DN có nhiều năm kinh nghiệm xuất khẩu vải thiều sang các nước châu Á và châu Âu, Công ty Chế biến và xuất khẩu nông sản Thanh Hà đã tận dụng được nhiều cơ hội để nâng cao giá trị sản phẩm. Lợi nhuận DN thu về cũng gia tăng so với trước đây, khi chỉ buôn bán nhỏ tại các chợ đầu mối ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, con đường xuất ngoại của trái vải sang các nước có yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ… gặp không ít khó khăn.
Theo bà Nguyễn Thị Mận, Giám đốc Công ty Thanh Hà, việc bảo quản đóng gói sản phẩm là yêu cầu bắt buộc nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Nhưng dù trọng lượng của từng lô vải thiều đã được DN kiểm tra kỹ lưỡng trước khi xuất đi, song khi sang tới Hàn Quốc, các đối tác cân lại thì trọng lượng bị thiếu. Điều này khiến DN gặp không ít khó khăn. Ví dụ, do tính cả trọng lượng bao bì đóng gói sản phẩm nên cứ 350 tấn được xuất khẩu thì bị thiếu khoảng 30 kg, trong khi khâu kiểm tra tại kho hàng của DN đều được tiến hành cẩn thận, kỹ lưỡng.
Theo bà Mận, với những khó khăn trong việc kiểm tra sản phẩm, nếu không có sự hỗ trợ và giúp đỡ của các cơ quan tham tán thương mại tại nước nhập khẩu, sản phẩm sẽ rất khó khăn để tiếp tục được nhập vào nước này. Trong khi đó, DN đang có kế hoạch xuất tiếp sang các thị trường mới cũng có nhiều tiềm năng như Trung Đông, Mỹ…
Ông Nguyễn Anh Cương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng bày tỏ nỗi trăn trở với người sản xuất, kinh doanh vải thiều do khâu bảo quản, đóng gói sản phẩm hiện nay còn nhiều bất cập. Hiện quả vải của tỉnh Hải Dương đã được chính thức xuất khẩu vào nhiều thị trường như Úc, Mỹ, Pháp… Để đảm bảo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, sản phẩm cần phải được xử lý và bảo quản bằng các quy trình kỹ thuật rất khắt khe.
Tuy nhiên, hiện ở miền Bắc chưa có nhà máy chiếu xạ, nên các DN phải vận chuyển quả vải vào miền Nam với chi phí cao. Do đó, mặc dù bán được giá song do giá thành xử lý và bảo quản khá cao nên giá trị thu về thấp, người nông dân không có nhiều lãi.
Theo tính toán của ông Cương, giá vải thiều bán sang Mỹ dự kiến khoảng 200 ngàn đồng/kg (tương đương gần 10 USD). Trong khi đó, chi phí chiếu xạ mất khoảng gần 1 USD và chi phí vận chuyển sang nước nhập khẩu 5 USD, tổng cộng là 6 USD (trên 120.000 đồng). Đó là chưa tính chi phí sản xuất, thu hoạch, vận chuyển vào miền Nam để chiếu xạ. Với chi phí cho bảo quản chiếm tỷ lệ lớn nên người nông dân, DN kinh doanh vải không có lợi nhuận nhiều.
“Thực tế, bảo quản sản phẩm đang là vấn đề lớn nhất trong tiêu thụ vải thiều, bởi đặc thù của quả vải là chín tập trung trong thời gian ngắn, nên nếu không có phương pháp bảo quản với chi phí phù hợp thì người kinh doanh vải không có lãi”, ông Cương cho biết.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương cho biết trong thời gian tới sẽ tăng cường hơn nữa chính sách hỗ trợ DN xuất khẩu. Theo đó, sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong xúc tiến thương mại; cung cấp thông tin thị trường… Ở nước nhập khẩu, các tham tán thương mại sẽ trực tiếp hỗ trợ DN.
Được biết, sắp tới Bộ Công Thương sẽ xây dựng một cơ chế định hướng thông tin tới DN và ngành nghề, người nông dân sẽ được cung cấp thông tin thường xuyên thông qua các sở, ngành ở các tỉnh.
Tuy nhiên, để sản phẩm xuất khẩu mang lại giá trị bền vững, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khuyến nghị DN cần tiếp tục duy trì và đảm bảo chất lượng sản phẩm đúng với yêu cầu của nhà nhập khẩu để ổn định và giữ vững thị trường.