Xuất khẩu xanh: Xu hướng tất yếu của thương mại toàn cầu
Đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ La tinh | |
Thách thức trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc | |
Tận dụng các “vận hội” mới để tăng cường xuất khẩu |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam đã ban hành các chủ trương, đường lối và cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Nhiều ngành hàng, doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt xu hướng và có những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong chuỗi sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, bền vững, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Xu hướng phát triển này đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới, thị trường nhập khẩu quan trọng của Việt Nam đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu, triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có phát thải carbon lớn.
“Vì vậy, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Xuất khẩu xanh với mục đích xanh hóa sản phẩm sẽ giúp khách hàng trên thị trường nước ngoài có thiện cảm hơn với sản phẩm của các doanh nghiệp. |
Hướng đến mục tiêu xuất khẩu xanh, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, tiến trình xanh hóa ngành dệt may là mục tiêu mà ngành đã đưa ra trong suốt 5 năm qua. Đây là chương trình tất yếu đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải thực hiện. Nếu không đạt mục tiêu đánh giá môi trường xanh thì doanh nghiệp sẽ không có đơn hàng.
Hiện nay, tỷ trọng chương trình phát triển xanh hoá trong lĩnh vực này đã chiếm trên 50%; năm 2023 mục tiêu là đạt tỷ lệ trên 70%. Các doanh nghiệp đã đầu tư vào hạ tầng, môi trường, năng lượng tái tạo… liên quan tới nước cấp, nước thải và xử lý nước. Hầu hết các doanh nghiệp thuộc ngành may, sợi, dệt, nhuộm đã đạt được các chuẩn mực trong Luật Môi trường Việt Nam.
Theo các chuyên gia trong ngành, để xuất khẩu lâu dài sang thị trường châu Âu (EU), doanh nghiệp dệt may cần xây dựng mục tiêu cụ thể, trong chiến lược kinh doanh có tính đến giảm phát thải carbon. Theo đó, cần tăng cường sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, nguyên liệu tái chế, thiết kế sản phẩm theo hướng tuần hoàn; tăng cường sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tiết kiệm năng lượng.
Đồng thời, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong hoạt động sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từng bước xây dựng hộ chiếu kỹ thuật số cho sản phẩm dệt may; chú trọng xây dựng bộ máy quản lý, giám sát và tuân thủ quy định về giảm phát thải khí nhà kính trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, cần áp dụng triệt để các giải pháp về kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh cho ngành dệt may. Nhất là, chú trọng xây dựng bộ máy quản lý, giám sát và tuân thủ quy định về giảm phát thải khí nhà kính trong nước và quốc tế. Áp dụng triệt để các giải pháp về kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh cho ngành dệt may…
Chia sẻ về lợi ích và động lực đầu tư sản xuất xanh, bà Nguyễn Thị Liên, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phong Phú cho rằng, ngành dệt may thuộc nhóm sản phẩm bắt buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn xanh hóa hiện nay với 75-96 tiêu chí đánh giá của các nước đối với sản phẩm dệt may Việt Nam. Trong đó, quy định mới của EU là yêu cầu hàng dệt may có thể tái sử dụng và sửa chữa ở mức cao.
Để có đơn hàng từ EU và Mỹ, hơn 10 năm trước, doanh nghiệp này đã chủ động thay đổi dây chuyền công nghệ robot và thực hiện kiểm soát các yêu cầu kỹ thuật đối với các đơn hàng cho thị trường. Hàng loạt quy trình được thay đổi, từ việc quản lý chặt chẽ tiêu thụ năng lượng điện, nước, khí thải, nước thải, xây dựng kế hoạch giảm tiêu hao năng lượng, hóa chất từng tháng đến thay thế dần các thiết bị cũ, tạo môi trường làm việc cho người lao động tốt hơn. Điều này không chỉ giúp dệt may Phong Phú đáp ứng tiêu chuẩn, nâng cao uy tín với đối tác, mà sản phẩm còn tăng tính cạnh tranh, có nhiều đơn hàng hơn, đặc biệt là những nhãn hàng cao cấp.
Thực tế, việc áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến vào chuỗi sản xuất không sử dụng hóa chất độc hại, thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải công nghiệp đã giúp các doanh nghiệp dệt may tạo ra sản phẩm bền vững, thân thiện với người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Ngoài ra doanh nghiệp cũng chú trọng sản xuất các sản phẩm từ nguyên liệu hữu cơ và tái chế đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Sản phẩm cần đáp ứng được tiêu chuẩn ngày càng cao của khách hàng, uy tín doanh nghiệp gia tăng, nhất là những nhãn hàng cao cấp, giúp thêm đơn hàng hơn trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
Bàn về vấn đề này, ông Bartosz Cieleszynski, Phó trưởng Ban Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cho rằng thương mại đối với công nghệ xanh và các sản phẩm bền vững đã trở thành xu hướng phổ biến ở các nước phát triển. Xuất khẩu xanh - hay chính xác hơn là việc xuất khẩu sản phẩm có dấu chân carbon thấp hoặc sản phẩm an toàn môi trường - là con đường đầy hứa hẹn cho các quốc gia mong muốn tách rời tăng trưởng kinh tế khỏi nạn suy thoái môi trường.
“Thế giới đang thay đổi nhanh chóng và một khi các thông lệ tự nguyện trở thành tiêu chuẩn bắt buộc, cạnh tranh trên thị trường sẽ trở nên rất gay gắt. Vì vậy, việc theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh với mục đích xanh hóa sản phẩm sẽ giúp khách hàng trên thị trường nước ngoài có thiện cảm hơn với sản phẩm của các doanh nghiệp, tạo nên lợi thế cạnh tranh. Đó là lý do tại sao nhu cầu phát triển bền vững cần được đáp ứng đầy đủ trong quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và EU nói riêng và các mối quan hệ thương mại toàn cầu nói chung”, ông Bartosz Cieleszynski đưa ra lời khuyên.
Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) là một trong những vấn đề quan trọng mà doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần quan tâm. Trong các quy định cốt lõi EGD, nổi bật là chiến lược Farm to Fork - F2F (hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh và thân thiện với môi trường). F2F hướng mục tiêu đến năm 2030 giảm 50% việc sử dụng và nguy cơ sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, giảm thất thoát chất dinh dưỡng ít nhất 50%; giảm sử dụng phân bón ít nhất 20%; giảm 50% doanh số bán thuốc kháng sinh cho động vật trang trại... Để đảm bảo công bằng, EU sẽ tiến đến yêu cầu các nước khác thực hiện tương tự nếu không sẽ đánh thuế môi trường. Vì vậy, chiến lược xanh là vấn đề mà doanh nghiệp cần nghiêm túc tìm hiểu, nghiên cứu và thực hành khi muốn tiếp cận thị trường EU lâu dài, cũng như đi theo quy luật phát triển tiến bộ trên thế giới. |