20 năm TTCK Việt Nam: Tiếp tục sẽ đơm hoa, kết trái
Ông Vũ Bằng |
Thông qua thị trường này, Chính phủ đã huy động được 1,5 triệu tỷ đồng, DN đã huy động được trên 600 nghìn tỷ đồng thông qua đấu giá CPH và phát hành cổ phiếu, trái phiếu, góp phần làm tăng quy mô vốn đầu tư xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Không những thế, TTCK còn góp phần tích cực thúc đẩy CPH DNNN, thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế cả về ngành và lĩnh vực hoạt động…
Thưa ông, dấu ấn nào đọng lại nhất với ông sau 20 năm UBCKNN được thành lập và TTCK đi vào hoạt động?
Trải qua 20 năm thành lập UBCKNN và 16 năm vận hành TTCK, chúng ta rất tự hào về những thành tích đạt được. Nhiều mặt hoạt động của thị trường đã tăng khoảng vài nghìn lần, như: mức vốn hóa tăng 1.560 lần, số lượt công ty niêm yết đạt 686 công ty, chưa kể trên 300 công ty đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM, quy mô niêm yết tăng 1.928 lần. Quy mô huy động vốn, giá trị giao dịch bình quân hiện nay đã tăng gấp 50 lần trong vòng 10 năm qua.
Chỉ tính riêng trong 10 năm trở lại đây, quy mô huy động vốn qua TTCK đã đáp ứng khoảng 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tỷ lệ đã tương đương gần 60% so với cung tín dụng qua thị trường tiền tệ - tín dụng. Tổng giá trị vốn huy động qua TTCK tới nay ước đạt 2 triệu tỷ đồng và huy động khoảng 16 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp.
TTCK đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho NSNN và huy động vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Đến nay giá trị dư nợ trái phiếu chiếm khoảng 24% GDP; mức vốn hóa thị trường cổ phiếu vào khoảng 37% GDP.
Tính chung quy mô TTCK đã chiếm khoảng 61% GDP. Điều này đã cho thấy sự tăng trưởng nhanh của TTCK (tăng bình quân khoảng 24% mỗi năm trong 5 năm qua) và đang ngày càng trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, góp phần dần hình thành một hệ thống tài chính hiện đại trên nền tảng hài hòa giữa TTCK và thị trường tiền tệ - tín dụng.
Điểm đặc biệt nữa là cấu trúc TTCK cũng ngày càng hoàn thiện với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường trái phiếu trong nước. Thị trường trái phiếu Việt Nam thường xuyên đứng trong nhóm 3 nước có tốc độ phát triển cao nhất khu vực châu Á theo đánh giá của ADB; hoạt động phát hành trái phiếu thông qua đấu thầu trên TTCK dần trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho Chính phủ;
Hệ thống giao dịch ngày càng hoàn thiện, hiện đại, kết nối với hệ thống Bloomberg, quy mô giao dịch trong những năm qua đều tăng trưởng rất cao, đã hình thành đường cong lợi suất chuẩn cho thị trường; tỷ trọng các trái phiếu kỳ hạn dài ngày càng lớn.
TTCK đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho NSNN |
Bên cạnh vai trò là kênh huy động vốn cho nền kinh tế, vậy TTCK có tác động gì đến cơ cấu lại nền kinh tế nói chung và DN nói riêng, thưa ông?
Ngoài các thành tích trên, TTCK nước ta còn có các vai trò quan trọng đối với công tác tái cấu trúc các DNNN, đặc biệt là hoạt động CPH, thoái vốn. Thông qua hệ thống quản lý giám sát, cơ sở vật chất, hệ thống công bố thông tin của TTCK đã tạo điều kiện cho các đối tượng tham gia đông đảo, tạo sự tiện lợi hỗ trợ tích cực cho công tác CPH bảo đảm đúng quy định pháp luật, quy luật của thị trường.
Đối với các công ty niêm yết sau CPH trên TTCK, quy mô, hiệu quả hoạt động, chất lượng quản trị của các công ty này cũng lên cao rõ rệt: tổng tài sản tăng bình quân 12%/năm, tổng vốn chủ sở hữu tăng bình quân 16%/năm, tổng vồn đầu tư chủ sở hữu tăng khoảng 18%/năm. Quy mô hoạt động của các DN này tăng chủ yếu nhờ vào việc mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng huy động vốn trên TTCK.
Hầu hết các DNNN cổ phần hóa niêm yết đều có lãi qua các năm, bình quân hàng năm tổng doanh thu tăng khoảng 3,5%, lợi nhuận tăng khoảng 8,6% năm. Chúng tôi cũng rất tự hào là nhiều DN đã trưởng thành, lớn mạnh nhờ vào TTCK và được các NĐT chiến lược lớn nước ngoài quan tâm, như: CTCP Sữa Việt Nam, CTCP Cơ Điện Lạnh (REE), CTCP Dược Hậu Giang, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI)...
Bên cạnh đó, TTCK cũng hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Trong những lúc khó khăn, các NHTM đã huy động được lượng vốn lớn qua phát hành cổ phiếu để đáp ứng yêu cầu tăng vốn điều lệ trong tiến trình tái cấu trúc hệ thống các NHTM.
Nếu tính chung từ 2005 đến nay, thông qua TTCK các NHTM đại chúng đã huy động được hơn 252 nghìn tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu. TTCK đã giúp các NHTM tăng tổng vốn điều lệ từ 20,6 nghìn tỷ đồng lên 272,6 nghìn tỷ đồng.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất của TTCK là minh bạch thông tin. Vậy UBCK đã làm gì để đáp ứng đòi hỏi của NĐT?
Tính công bằng và minh bạch trên TTCK thời gian qua đã không ngừng được tăng cường, từng bước hoàn thiện theo thông lệ quốc tế, như việc tăng cường các yêu cầu công bố thông tin về giao dịch của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan, yêu cầu về chào mua công khai, phạm vi công bố thông tin cũng mở rộng, phương thức công bố thông tin cũng được bổ sung, hoàn thiện; chế tài xử lý vi phạm về công bố thông tin được nâng cao, các yêu cầu về kế toán, kiểm toán cũng được hoàn thiện từng bước tiếp cận với chuẩn mực quốc tế.
Ngoài ra, quản trị công ty đối với các công ty niêm yết đã dần được nâng cao theo thông lệ quốc tế, tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các DN niêm yết. Thông tư 121/2012/TT-BTC quy định về quản trị công ty áp dụng cho công ty đại chúng cũng đã đánh dấu một sự đột phá trong quản trị DN nhằm bảo vệ quyền lợi của NĐT.
Mới đây trong Báo cáo tuân thủ chuẩn mực về quản trị công ty (ROSC) của Ngân hàng Thế giới đã cho rằng “việc ban hành Thông tư về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng đã tạo ra một nền tảng vững chắc cho việc bảo vệ quyền lợi của các NĐT”. Báo cáo thẻ điểm quản trị công ty của ASEAN qua các năm gần đây cũng cho thấy sự tiến bộ liên tục đối với chỉ số quản trị công ty niêm yết của Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới diễn biến kinh tế khó lường, vậy UBCK sẽ làm gì để tiếp tục duy trì được sự ổn định và phát triển tốt hơn trong thời gian tới?
Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển TTCK đến nay, chúng ta có thể khẳng định việc xây dựng TTCK là chủ trương rất đúng đắn. Quá trình phát triển TTCK đi từ thấp đến cao, trong đó có một số nội dung được tập trung triển khai ngay từ đầu, đó là vấn đề minh bạch công bố thông tin, vấn đề quản trị công ty và tự động hóa các khâu giao dịch, thanh toán. Công tác tái cấu trúc được triển khai một cách kiên định, đồng thời hướng tới việc mở rộng các sản phẩm mới, thị trường mới.
Để tiếp tục duy trì được sự ổn định và phát triển tốt hơn của thị trường trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào những giải pháp, đó là: tiếp tục triển khai Nghị định 58/2012/NĐ-CP, Nghị định 60/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán, theo đó bảo đảm yêu cầu gắn quá trình CPH với đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK nhằm minh bạch hóa hoạt động DN và bảo vệ quyền lợi NĐT.
Đồng thời chúng tôi sẽ sửa đổi các quy định nhằm nâng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại các DN theo cam kết WTO. Tiếp đến là triển khai các giải pháp khơi thông dòng vốn trong và ngoài nước như giải pháp để nâng hạng TTCK Việt Nam trên bảng phân loại MSCI, quảng bá hình ảnh TTCK với NĐT quốc tế; nâng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng tại các DN niêm yết có sở hữu Nhà nước…
Cùng với đó là triển khai các sản phẩm mới, thị trường mới, đặc biệt là TTCK phái sinh, công tác tái cấu trúc TTCK cần phải tiếp tục hoàn tất theo đúng tiến độ và yêu cầu đặt ra và tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm trên TTCK. Chúng tôi cũng mong muốn được tăng thẩm quyền của UBCKNN trong công tác thanh tra, giám sát, điều tra nhằm bảo vệ lợi ích NĐT và sự toàn vẹn của thị trường.
Với nền tảng đã có và những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và phát triển TTCK đến nay, dưới sự quan tâm của Đảng, sự chỉ đạo kịp thời và đúng đắn của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài chính, chúng tôi tin tưởng rằng TTCK nước ta tiếp tục sẽ đơm hoa, kết trái, ngày càng hội nhập sâu và tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong những năm tới.
Xin cảm ơn ông!