6 giải pháp phát triển thị trường chứng khoán năm 2019
Một là, hoàn thành Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, trình Chính phủ, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào tháng 10/2019; Dự thảo các Nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán sửa đổi.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, điều hành thị trường chứng khoán, hoạt động giám sát và cưỡng chế thực thi nhằm đảm bảo an toàn cho thị trường chứng khoán.
Hai là, tăng cung hàng hoá và cải thiện chất lượng nguồn cung. Theo đó, về thị trường cổ phiếu, tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hoá, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết và đăng ký giao dịch; tăng cường rà soát xử lý kịp thời các doanh nghiệp không tuân thủ việc niêm yết/đăng ký giao dịch sau khi đã cổ phần hoá; triển khai Thông tư hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn theo phương thức dựng sổ.
Đồng thời, nghiên cứu dịch vụ quản lý tài sản thế chấp tập trung và hoạt động giao dịch bảo đảm tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam; triển khai cơ chế tạo lập thị trường, phát hành Bộ nguyên tắc quản trị công ty; nghiên cứu triển khai nghiệp vụ giao dịch trong ngày và thanh toán chứng khoán chờ về.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát về tính minh bạch các thông tin trong Báo cáo tài chính của các công ty đại chúng vấn đề sử dụng vốn, công bố thông tin và quản trị công ty; nghiên cứu, tham gia xây dựng, triển khai Đề án áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế tại Việt Nam.
Dự kiến năm 2019, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ triển khai sản phẩm chứng quyền có bảo đảm và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ. Đồng thời, triển khai nghiên cứu xây dựng các chỉ số mới để làm tài sản cơ sở cho các sản phẩm phái sinh.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện tổ chức thị trường trái phiếu doanh nghiệp và xây dựng, ban hành các quy định, quy chế về trái phiếu doanh nghiệp; khuyến khích các công ty đưa trái phiếu lên niêm yết; xây dựng cổng thông tin trái phiếu doanh nghiệp.
Ba là, phát triển, nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường. Theo đó, triển khai Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục tái cấu trúc hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán để giảm số lượng, nâng cao chất lượng dịch vụ; thực hiện giám sát dự vào rủi ro trên cơ sở quy chế hướng dẫn phân loại và cảnh báo sớm các tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định pháp lý, kiểm soát vấn đề quản lý tách bạch tài sản của nhà đầu tư uỷ thác, kiểm tra chỉ tiêu an toàn tài chính, đưa các công ty quản lý quỹ không đáp ứng điều kiện vào tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt.
Bốn là, tái cấu trúc tổ chức thị trường, cơ sở hạ tầng, công nghệ: Nghiên cứu việc tái cấu trúc các Sở Giao dịch Chứng khoán và phát triển, phân định các khu vực thị trường.
Cùng với đó, chỉ đạo và phối hợp với Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam hoàn thiện mô hình đối tác bù trừ và quyết toán chứng khoán với hệ thống thanh toán liên ngân hàng để thực hiện thanh toán bù trừ cho các giao dịch chứng khoán khác; hoàn thiện, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, giám sát thị trường chứng khoán.
Năm là, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về thao túng, nội gián, hành vi gian lận, vi phạm về nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thanh tra, kiểm tra, xác minh, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán, nhất là các vụ việc liên quan đến các hành vi có dấu hiệu tội phạm.
Sáu là, triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018, triển khai công tác năm 2019 của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, năm 2018, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã tiếp tục trao đổi thường xuyên với MSCI và FTSE để cập nhật thông tin, giải đáp cụ thể về những nội dung còn chưa rõ ràng, giúp MSCI và FTSE đánh giá xác thực hơn về thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Kết quả đánh giá sơ bộ của FTSE tháng 9/2018 cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đủ tiêu chuẩn để được nâng hạng từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi”, ông Phạm Hồng Sơn chia sẻ.
Thời gian tới, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài như: Tháo gỡ vướng mắc trong việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc ban hành Luật Chứng khoán sửa đổi; Tăng cường tính công khai, minh bạch hoá trên thị trường chứng khoán, đảm bảo quyền bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài; Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, đại diện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, để thực hiện được các nhiệm vụ, giải pháp trên, không chỉ đòi hỏi nỗ lực của Uỷ ban Chứng khoán mà còn rất cần sự chung tay, phối hợp của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính, sự ủng hộ của Chính phủ và các thành viên thị trường.