9 tháng mới có 34 DN được phê duyệt phương án cổ phần hóa
Cụ thể, theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục DNNN hoàn thành cổ phần hóa (hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu), trong năm 2017 phải hoàn thành cổ phần hóa 44 DN.
Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2017, mới có 34 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 11/44 DN thuộc Danh mục DNNN hoàn thành cổ phần hóa năm 2017 ban hành kèm theo công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Tổng giá trị thực tế của 34 DN đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 80.636 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 20.881 tỷ đồng. Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 34 đơn vị là 25.873 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 12.646 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.941 tỷ đồng, bán cho người lao động 205 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 20 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 5.060 tỷ đồng.
Về tình hình thoái vốn, Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, lũy kế 09 tháng đầu năm 2017, các đơn vị đã thoái được 3.838 tỷ đồng, thu về 15.998 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản thoái vốn trong năm 2016 các đơn vị mới báo cáo trong 09 tháng đầu năm 2017), bao gồm: Thoái vốn tại 05 lĩnh vực nhạy cảm được 105 tỷ đồng, thu về 105 tỷ đồng; Thoái vốn đầu tư ở DN khác (ngoài 05 lĩnh vực nhạy cảm) được 2.210 tỷ đồng, thu về 3.463 tỷ đồng; SCIC đã bán vốn tại 28 DN với giá trị là 1.522 tỷ đồng, thu về 12.428 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Cục, việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn trong 9 tháng đầu năm còn chậm, chưa đạt được tiến độ, kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do một số lãnh đạo DNNN vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm trong triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.
Bên cạnh đó, đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán nhà nước trước khi công bố giá trị DN...
Trước thực trạng trên, Cục Tài chính doanh nghiệp cũng đề xuất nhiều biện pháp để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN trong 3 tháng cuối năm. Trong đó đáng chú ý là hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phục vụ cho quá trình cơ cấu lại DNNN.
Cụ thể, cần rà soát các luật có liên quan như Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Cán bộ, công chức; Luật Phá sản; Bộ luật Lao động và các quy định có liên quan để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quá trình cơ cấu lại và vai trò, vị trí của DNNN thời gian tới.
Bên cạnh đó, Chính phủ sớm ban hành các cơ chế chính sách để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa như: Nghị định thay thế Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về cổ phần hóa DNNN; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của các Tập đoàn kinh tế như: EVN, TKV, PVN…