AEC: Cánh cửa hẹp cho lao động Việt Nam
Ảnh minh họa |
Theo tiến trình hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), một trong những nội dung cơ bản nhất là tự do hóa di chuyển lao động có kỹ năng trong ASEAN. Tuy nhiên, dù đã định liệu các biện pháp để tạo thuận lợi cho việc di chuyển lao động tay nghề cao, thì hầu hết lao động di cư trong khu vực đều thuộc nhóm tay nghề thấp. Riêng đối với Việt Nam, tỷ lệ lao động di cư trong các quốc gia ASEAN thuộc loại thấp nhất khu vực, cho thấy khả năng tận dụng cơ hội để dịch chuyển lao động là chưa cao.
Thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, di cư nội khối trong khu vực ASEAN đã gia tăng nhanh chóng từ năm 1990, tạo ra thị trường lao động di cư lớn dần qua các năm. Tính theo giá trị tuyệt đối, số di cư trong ASEAN tăng từ 1,5 triệu lên 6,5 triệu từ năm 1990 đến 2013. Trong cùng giai đoạn, tỷ lệ tổng số lao động từ các nước ASEAN trên tổng số lao động nước ngoài tại ASEAN đã tăng từ 47,8% lên 68,6%.
Tuy nhiên, với riêng trường hợp Việt Nam, di cư lao động trong ASEAN vào năm 1990 chỉ chiếm 7% trong tổng số kiều dân ở nước ngoài và con số này còn tiếp tục giảm sau đó. Những nước là đích đến chủ yếu của Việt Nam lại là các nhà nước Ả Rập vùng vịnh, Đông Á, châu Âu và Bắc Mỹ.
Bên cạnh đó, mặc dù dòng chảy của các lao động có tay nghề trong ASEAN đã tăng lên, song tỷ lệ đó vẫn còn nhỏ so với các dòng di cư lao động không có tay nghề hoặc bán làng nghề. Việt Nam cũng rơi vào trường hợp tương tự.
ThS. Hoàng Thị Huệ, Khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực, Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích, di cư có tay nghề ở Việt Nam chiếm khoảng hơn 20%, trong khi khoảng hơn 40% là di cư lao động phổ thông. Điều này cho thấy AEC tạo cơ hội cho dịch chuyển lao động có chất lượng, song với Việt Nam lại là thách thức lớn do lao động thiếu kỹ năng.
Tính toán của Ngân hàng Thế giới cho thấy, chỉ số tổng hợp của nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79/10 điểm về chất lượng của lực lượng lao động, đứng thứ 11/12 nước châu Á được xếp hạng. Ngoài lợi thế nguồn nhân lực trẻ và dồi dào thì trình độ tay nghề và chuyên môn kỹ thuật của lao động Việt Nam còn thấp và điều này sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của quốc gia trước thềm hội nhập AEC. Bên cạnh đó, lao động Việt Nam còn thiếu các kỹ năng mềm, như làm việc nhóm, giao tiếp, khả năng ngoại ngữ...
So với các nước trong khu vực thì chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam cũng càng đáng lo ngại. Trong khi chỉ số tổng hợp nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79, thì Singapore là 6,81; Malaysia là 5,59; Philippines là 4,53. Mức độ sẵn có về lao động có chất lượng cao của Việt Nam chỉ đạt 3,25 điểm trong thang điểm 10.
Đáng lo ngại nhất là sự thành thạo về tiếng Anh và công nghệ cao của người lao động nước ta chỉ đạt 2,62 và 2,50 điểm; xếp hạng cuối trong danh sách trên. Trong khi tiếng Anh là ngoại ngữ được sử dụng rất thông dụng khi lao động tự do di chuyển trong AEC.
PGS-TS. Nguyễn Bá Ngọc, Phó viện trưởng, Viện Khoa học - Lao động và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu lên một rào cản đáng quan ngại khác là sự phù hợp giữa việc làm và trình độ đào tạo.
Theo ông Ngọc, năm 2007 có 28,6% lao động làm những công việc không phù hợp với trình độ đào tạo, trong đó 4,7% lao động đang làm những công việc thấp hơn trình độ đào tạo và 23,9% đang làm những việc cao hơn trình độ đào tạo. Con số này đã tăng lên rất nhiều vào năm 2013 với các chỉ số lần lượt là 49,8%; 5,9%; 43,9%. Có đến 40% lao động đang làm việc trong các nghề nhân viên sơ cấp là thấp hơn trình độ đào tạo.
Trong khi đó, tỷ lệ lao động có yêu cầu công việc cao hơn trình độ đào tạo lại đặc biệt cao trong các nghề lao động có kỹ thuật như nông nghiệp, nhân viên bán hàng, dịch vụ, bảo vệ, thợ thủ công (96%, 88%, 86%). Đây chính là những nhóm nghề đang sử dụng rất nhiều lao động không qua đào tạo, không có chuyên môn kỹ thuật. Điều này cũng lý giải vì sao AEC vẫn là cánh cửa hẹp với lao động Việt Nam.
Theo ước tính của ADB và ILO vào năm 2015 thì nhu cầu đối với nhân công kỹ thuật cao tại Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines, Thái Lan và Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2025 có thể tăng tới 41%, tương đương với 14 triệu nhân công. Tuy nhiên cũng theo nghiên cứu này thì đến năm 2025 hơn một nửa việc làm yêu cầu tay nghề cao sẽ được đảm nhiệm bởi những lao động không đủ trình độ.
Do đó nếu không có chiến lược đào tạo hiệu quả thì 6 nền kinh tế này có thể phải đối mặt với kịch bản hàng triệu việc làm có sự lệch pha về kỹ năng. Như vậy sẽ khó có thể tạo ra thị trường lao động tự do và chuyên nghiệp như kỳ vọng.