Áp lực đảm bảo an toàn vốn
Chuẩn Basel II và cuộc chạy nước rút | |
Tăng vốn sẽ thực chất hơn | |
Basel II: Không dễ nhưng quyết tâm làm được |
“Gối đệm” đã dày dặn hơn
Tăng vốn luôn là vấn đề quan trọng nhất đối với bất kỳ NH nào, bởi đó được coi là “gối đệm” cho NH có thể ứng phó đối với những biến động xảy ra. Theo số liệu mới nhất NHNN, tính đến ngày 31/10/2017, vốn điều lệ của toàn hệ thống là 506.232 tỷ đồng, tăng 3,65% so với cuối năm 2016.
Để “gối đệm” này được dày dặn hơn như vậy là nhờ trong thời gian qua, nhiều NH đã thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau như phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài tăng vốn cấp 2; không chia cổ tức để bổ sung vốn tự có hoặc tăng vốn điều lệ theo hai hình thức phổ biến là trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Năm 2018 có nhiều cơ hội tăng vốn chủ sở hữu cho các NHTM |
Mới đây nhất, UBCKNN đã có văn bản thông báo SHB đã phát hành thành công 83.927.010 cổ phiếu để trả cổ tức. Theo đó, vốn điều lệ của SHB đã tăng lên hơn 12.036 tỷ đồng. Đây là thông tin tích cực đối với thị trường NH trong những ngày đầu năm nay.
Cuối năm 2017, LienVietPostBank cũng lên kế hoạch phát hành 104 triệu cổ phiếu chào bán cho các cổ đông, người lao động và trả cổ tức để nâng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng. Chia sẻ về mục tiêu sử dụng vốn tăng thêm, lãnh đạo LienVietPostBank cho biết, NH dự kiến dùng để đầu tư, nâng cấp thêm trang thiết bị, cơ sở vật chất, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định.
“Sau 10 năm đi vào hoạt động, tính đến cuối 2017, LienVietPostBank đã phủ sóng mạng lưới tại 63 tỉnh, thành trên cả nước, góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược trở thành “ngân hàng của mọi người”. Vì vậy, nguồn vốn tăng thêm chắc chắn sẽ giúp NH tăng khả năng sử dụng vốn, mở rộng quy mô cho vay và phát triển mạng lưới nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng để tăng khả năng cạnh tranh của NH”, một lãnh đạo LienVietPostBank chia sẻ thêm.
Mặc dù đã được cải thiện vậy, nhưng theo nhận xét của một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia: tốc độ tăng vốn tự có của các TCTD chậm hơn so với tốc độ tăng của tổng tài sản.
Lý giải cho nhận định trên, vị chuyên gia này cho hay, tính đến 31/10/2017, tổng tài sản của toàn hệ thống TCTD đạt 9.248.111 tỷ đồng, tăng 10,87% so với cuối năm 2016. Trong khi đó, vốn tự có của toàn hệ thống tăng thấp hơn chỉ tăng 7,93% so với cuối năm 2016 lên 692.162 tỷ đồng.
“Tốc độ tăng trưởng tổng tài sản và vốn tự có của hệ thống chưa tương xứng sẽ tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động. Vốn mỏng khiến cho việc đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) gặp khó khăn hơn nhiều khi áp dụng theo tiêu chuẩn Basel II. Đây là áp lực lớn đối với nhiều NH không chỉ trong năm 2018 mà sẽ kéo dài đến 2020 – thời điểm kết thúc đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD”, một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia tỏ ra lo ngại và đặc biệt lưu ý đến khối NHTM Nhà nước khi vốn điều lệ của nhóm này tăng chỉ vẻn vẹn 0,82% so với năm trước.
Nhưng chưa đủ
Lo lắng trên hoàn toàn có cơ sở khi tính đến cuối tháng 10, CAR của toàn hệ thống đạt 12,43%, giảm nhẹ so với mức 12,45% thời điểm cuối tháng 9. Hệ số CAR của khối NHTM Nhà nước đang thấp hơn với các NHTMCP và mức chung toàn hệ thống chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức quy định tối thiểu 9% hiện hành. Nếu như vậy, khi áp dụng các quy định khắt khe của Basel II, CAR của các NH này có thể xuống dưới mức 8%.
Trước khó khăn đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành NH năm 2018, CEO của một số NHTM Nhà nước đã nhấn mạnh đến sự cấp thiết phải tăng vốn của các “ông lớn”. Trong số các NH này hiện chỉ có Vietcombank được chấp thuận phương án tăng vốn qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Hai NH còn lại, theo tìm hiểu của phóng viên thì đề án tăng vốn vẫn đang trong quá trình xem xét.
Cách thức tăng vốn của hai NH này sẽ khác nhau. Một NH có thể sẽ theo hướng giữ lợi nhuận, chia cổ tức bằng cổ phiếu và một NH ưu tiên việc tìm kiếm NĐT chiến lược nước ngoài. Lãnh đạo một trong hai NH này cho biết, hiện đề án vẫn đang chờ phê duyệt và NH này cũng đã chuẩn bị những phương án thay thế trong trường hợp đề án phê duyệt không được như dự kiến.
“Phải tăng vốn thì NH mới phát triển được. Đó là chuyện cấp thiết không thể bàn lùi. Vì thế, NH chủ động phương án dự phòng tăng vốn cả vốn cấp 1 và cấp 2 để đủ vốn kinh doanh, đảm bảo an toàn hoạt động cho NH”, vị này thông tin thêm.
Không chỉ người trong cuộc, một CEO NH quy mô nhỏ cho rằng, việc tăng vốn cho các NH lớn là rất quan trọng bởi đó là trụ cột lớn cho hệ thống nếu các NH đó bị hắt hơi, các NH nhỏ không tránh khỏi sổ mũi. Nhất là việc áp dụng đầy đủ Basel II, hình thành những NH lớn tầm khu vực tiếp tục bị lỡ hẹn.
Những rủi ro có thể xảy ra nếu các NH lớn không được tăng vốn kịp thời được TS. Võ Trí Thành đưa ra đó là vốn cung ứng cho nền kinh tế không đủ, khả năng kháng cự trước những cú sốc giảm, rủi ro tăng chưa kể đến phải thực hiện thông lệ chuẩn mực quốc tế. Phương án nào giúp cho các NH thuận lợi nhất trong năm nay để tăng vốn. Vị chuyên gia này tỏ ra lạc quan với khả quan hơn cả khối nhà nước và tư nhân. “Những chuyển động kinh tế vĩ mô cũng như bản thân ngành NH ngày càng tích cực hơn chắc chắn tạo sức hút đối với NĐT nước ngoài”.
Chẳng hạn, trong năm 2017, Chính phủ có thay đổi rõ nét trong vấn đề cải cách, hội nhập. Bản thân ngành NH có 3 chuyển động tốt hơn. Một là làm ăn khấm khá hơn dù chưa phải tất cả, nhưng chiếm số đông. Hai là tái cấu trúc hệ thống được đẩy lên, triển khai quyết liệt đã lành mạnh hoá hoạt động, hướng đến áp dụng chuẩn mực quốc tế tốt hơn. Ba là xử lý nợ xấu kỳ vọng nhanh hơn nhất là khi Nghị quyết 42 đi vào cuộc sống. Cùng với đó, thời điểm này, số lượng NH lên sàn ngày càng tăng, thông tin hoạt động minh bạch hơn, cho thấy phương án tìm kiếm NĐT nước ngoài thuận lợi hơn trong năm 2018.
TS. Cấn Văn Lực cùng chung quan điểm khi nghiêng về phương án tìm kiếm NĐT chiến lược nước ngoài. Riêng đối với các NHTM Nhà nước, ông Lực lưu ý ngoài nỗ lực của các TCTD phải chủ động quyết liệt hơn thì việc cơ quan quản lý cũng phải phê duyệt phương án nhanh hơn để theo kịp biến động của thị trường. Bởi nếu kéo dài, trong quá trình đợi phê duyệt, giá cổ phiếu có thể lên mạnh, NĐT thấy cao quá họ lại cân nhắc. Hoặc có những thương vụ tưởng như chắc chắn xong cuối cùng bất thành chỉ vì giá.
Ông Lực nói thêm và khẳng định năm 2018 có nhiều cơ hội tăng vốn chủ sở hữu cho các NHTM nhưng phải sử dụng nhiều biện pháp hình thức mới đảm bảo thành công.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính – NH Mạnh dạn bán vốn cho nhà đầu tư ngoại Việc tăng vốn là điều hiển nhiên cho các NH nói chung khi muốn tăng trưởng. Hiện tại, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của phần lớn NHTM trên sổ sách là hơn 9% - mức tối thiểu theo quy định của NHNN. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo cách tính mới tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN, trong đó điều chỉnh hệ số CAR từ 9% xuống 8% thì hệ số CAR của các NHTM nhiều khả năng sẽ sụt giảm đáng kể so với CAR tính theo quy định hiện nay. Thông tư 41 có nội dung hướng theo chuẩn Basel II, đồng nghĩa với phân bổ vốn điều lệ phải trải cho cả ba mặt rủi ro: tín dụng, thị trường và hoạt động. Trước nay, các NH vốn chỉ quen quản trị rủi ro cho tín dụng, mà có phần chưa quan tâm nhiều tới những khía cạnh rủi ro khác, đặc biệt là rủi ro hoạt động. Tăng vốn phải dựa vào thực tế của hoạt động cũng như tình hình tài chính của mỗi NHTM. Quan trọng là các NH trong hệ thống có dễ dàng tăng được 1,5 - 2% hay không, đây là câu hỏi khó trả lời. Hiện có hai phương pháp chính để tăng vốn: thứ nhất, tăng vốn qua tăng trưởng sinh học khi NH kinh doanh tốt, thu được nhiều lợi nhuận. Trong đó một phần lợi nhuận để chi trả cổ tức cho cổ đông, phần còn lại giữ lại nhập vào trong vốn. Tăng vốn theo phương thức này cũng không phải chuyện dễ dàng, khi mâu thuẫn về mong muốn: cổ đông muốn nhận cổ tức, còn phía NH lại muốn giữ lại để dành cho tăng vốn điều lệ. Chưa kể tới những khoản nợ xấu tồn đọng, những tài sản không sinh lời vẫn đang nằm tại NH. Cách tăng vốn thứ hai là từ cổ đông hiện hữu và cổ đông mới. Hiện tại, chúng ta có quan hệ tốt với những quốc gia có nền kinh tế, hệ thống tài chính phát triển cao ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Đây là nguồn lực tốt, đòi hỏi các NH phải chủ động, mạnh dạn bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thêm nữa, room của Chính phủ cho các nhà đầu tư ngoại cần tăng lên, từ mức 30% hiện tại cho tất cả cổ đông nước ngoài lên mức khoảng 49%. Điều mà các NH cần phải nghĩ tới để tăng được vốn là phải khiến cho lợi nhuận của NH có sự tăng trưởng mạnh, đi cùng với kiểm soát rủi ro, tránh nợ xấu, tăng thu từ dịch vụ phi tín dụng… Minh bạch thông tin tài chính, phân loại nợ xấu chính xác cũng là yếu tố hỗ trợ giúp cho quá trình tăng vốn điều lệ NH thuận lợi hơn.
|
Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB Tăng vốn - Tăng năng lực quản trị, khả năng cạnh tranh SHB vừa chính thức tăng vốn điều lệ lên hơn 12.036 tỷ đồng. Việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao năng lực quản trị điều hành, nâng cao khả năng cạnh tranh của NHTM trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đây cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng để chúng tôi sớm hoàn thành mục tiêu trở thành NH bán lẻ đa năng hiện đại hàng đầu Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế, từng bước đón đầu xu hướng của công cuộc cách mạng 4.0 với những sản phẩm, dịch vụ khác biệt và vượt trội. Việc tăng vốn điều lệ tất yếu sẽ giúp NH tăng khả năng sử dụng vốn, mở rộng quy mô cho vay và phát triển mạng lưới nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Nguồn vốn tăng thêm cũng sẽ giúp NH nâng cao cơ sở vật chất, hiện đại hóa các phương tiện và công nghệ phục vụ cho công tác quản trị, điều hành. Đi cùng với đó là phát triển sản phẩm dịch vụ mới đa dạng, hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong bối cảnh hoạt động NH có nhiều thách thức như hiện nay… |