Tăng vốn sẽ thực chất hơn
Tăng vốn hiệu quả | |
Tăng vốn là yêu cầu cấp bách của ngân hàng | |
Ưu tiên số một của ngân hàng là tăng vốn |
Đòi hỏi cấp bách
Trao đổi với phóng viên, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho hay, trong phiên họp gần đây của Hội đồng, các thành viên rất quan tâm đến vấn đề tăng vốn của NH. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của hệ thống NH năm 2018. Nhận định trên hoàn toàn có cơ sở bởi rất nhiều yếu tố trông chờ vào hoạt động tăng vốn của các NH. Từ việc mở rộng tín dụng hỗ trợ DN, tăng trưởng kinh tế đến đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR), áp dụng thông lệ chuẩn mức quốc tế Basel II.
Năm 2018 có nhiều cơ hội cho các NH thực hiện tăng vốn |
Đối với các NHTM quy mô lớn nhất là “tứ trụ”, hệ số CAR đang ở sát mức quy định hiện tại của NHNN là 9%. Cuối tháng 8/2017 tỷ lệ này của nhóm NHTM có vốn Nhà nước là 9,69% thấp hơn so với mức 11,2% của nhóm NHTMCP. CAR của các NH đang có xu hướng giảm. Nếu áp dụng các quy định khắt khe của Basel II, lãnh đạo của một trong những NHTMCP nhà nước cho biết, hệ số CAR của NH có thể xuống dưới mức 8%. Theo Basel II, rủi ro được tính toán dựa trên ba yếu tố gồm rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành (hay rủi ro hoạt động) và rủi ro thị trường chứ không phải một yếu tố như Basel I.
Khi NH không đảm bảo hệ số này chắc chắn khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế sẽ bị hạn chế và buộc phải thu hẹp lại. Riêng bốn NHTM nhà nước lớn, chiếm tới hơn 50% tổng dư nợ của nền kinh tế thì việc thu hẹp tín dụng như vậy ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế. Còn với một số NHTMCP quy mô nhỏ, chặng đường đến với “câu lạc bộ” vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng vẫn còn không ít chông gai.
Thời gian qua, khá nhiều NH đặt ra mục tiêu tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng nhưng vẫn chưa thể thực hiện được. Có những NH dù được chấp thuận tăng vốn lên hơn 5.000 tỷ cách đây ba năm nhưng đến nay vốn của NH này vẫn chỉ dậm chân ở hơn 3.000 tỷ đồng. Với mức vốn thấp như hiện nay, nếu NH gặp phải biến động thì khả năng chống đỡ sẽ rất yếu ớt, chưa nói đến khi NH áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, cách tính hệ số CAR mới sẽ chặt chẽ hơn theo chuẩn Basel II, bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020… Áp lực đối với việc tăng vốn của NH ngày càng lớn.
Nhiều cơ hội cho các NH
Vậy trong bối cảnh hiện nay, việc tăng vốn có thuận lợi hơn so với các năm trước không và các NH sẽ tăng vốn theo cách nào?
Trả lời câu hỏi này, TS. Cấn Văn Lực nhận định, năm 2018 có nhiều cơ hội cho các NH thực hiện tăng vốn. Đó là thị trường chứng khoán đang tăng trưởng mạnh, giá cổ phiếu tăng tích cực, các NH có thể tranh thủ phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, cán bộ nhân viên… Đó là sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài khá cao đối với thị trường tài chính NH là cơ hội để các NH tìm kiếm cổ đông chiến lược…
CEO một NH cho biết, với diễn biến thuận lợi hiện nay, năm tới hoạt động tăng vốn nhộn nhịp hơn và khả năng thành công cao hơn. NH này dự định cuối năm 2018 lên sàn để tiếp tục tăng vốn.
Lãnh đạo một NHTMCP khác tiết lộ, NH này sẽ thực hiện tăng vốn thông qua tìm kiếm cổ đông chiến lược mới. Đây cũng là phương án được nhiều NH lựa chọn. Vì việc kêu gọi cổ đông chiến lược thuận lợi hơn so với những năm trước, nhất là đang có thông tin về khả năng NĐT nước ngoài có thể được nới room sở hữu NH trong năm nay.
“Có thể với sự tham gia của các cổ đông mới, cấu trúc chủ sở hữu thay đổi kéo theo cấu trúc quản trị, chiến lược kinh doanh của NH thay đổi… Điều này cũng có thể gây xáo trộn cho NH nhưng sẽ chỉ là số ít còn đa phần sự thay đổi của “bộ máy” mới đều giúp mọi hoạt động của NH tốt lên” - lãnh đạo một NH nhận định.
Tuy nhiên, đối với một số NHTM có vốn Nhà nước, theo TS. Cấn Văn Lực, ngoài nỗ lực chủ động quyết liệt của chính NH còn phải phụ thuộc khá nhiều vào chính sách của Nhà nước như phê duyệt phương án tăng vốn cho các NH nhanh hơn để theo kịp biến động của thị trường.
Gỡ vướng mắc này, Tổng giám đốc BIDV Phan Đức Tú đưa ra đề xuất: trong trường hợp chưa được chấp nhận phương án NH có được giữ lại phần cổ tức của Nhà nước hay không thì trước mắt cho phép NH chia cổ tức thấp xuống. “Hiện BIDV chi trả cổ tức 7%, nếu cổ tức giảm xuống còn 3-4% thì NH có thể để dành một khoản đáng kể để tăng vốn điều lệ”, ông Phan Đức Tú tính toán.
Tham vấn một số chuyên gia về vấn đề này, đa phần các ý kiến cho rằng, trong bối cảnh ngân sách bớt áp lực nhất là ngân sách thu được một số tiền lớn từ hoạt động thoái vốn các DNNN thì việc chia sẻ hỗ trợ đối với NH là cần thiết để tháo gỡ nút thắt tăng vốn đối với các NH lớn cũng là kênh cấp vốn chủ lực của nền kinh tế.
Không chỉ tăng về lượng, theo các chuyên gia, thời gian tới vốn chủ sở hữu của các NH tăng thực chất hơn nhất là quy định mới khá nghiêm khắc tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD được áp dụng. Đơn cử, tại Luật sửa đổi đã bổ sung thêm quy định (điểm c khoản 1 Điều 54) yêu cầu cổ đông: Không được sử dụng nguồn vốn do TCTD, chi nhánh NH nước ngoài cấp tín dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của TCTD cũng như không được góp vốn, mua cổ phần của TCTD dưới tên của cá nhân, pháp nhân khác dưới mọi hình thức. Quy định này của Luật Các TCTD sửa đổi nhằm xử lý tình trạng tăng vốn ảo (bằng vốn vay TCTD khác), cũng như hạn chế sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng, xử lý tình trạng nhờ người đứng tên sở hữu hộ cổ phần tại TCTD để lách quy định giới hạn sở hữu cổ phần của Luật…
Với các quy định khắt khe trên, theo các chuyên gia, khó xảy ra chuyện NH tăng vốn ảo trong thời gian tới. Tuy nhiên, TS. Lực lưu ý, cơ sở pháp lý tốt rất quan trọng, nhưng vấn đề phải giám sát thực hiện mới đảm bảo pháp luật được thực thi hiệu quả.