Áp lực hấp thụ lượng cổ phiếu mới
Ảnh minh họa |
Có những mối lo ngại về viễn cảnh của thị trường chứng khoán trong năm sau, nhất là khi phiên đấu giá lượng cổ phiếu Vinamilk mới đây do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tổ chức chỉ nhận được sự quan tâm của số ít các nhà đầu tư. Kết quả là chỉ 60% lượng cổ phiếu SCIC chào bán được giao dịch thành công.
Theo Công ty chứng khoán Maybank KimEng, do cơ chế đấu thầu còn hạn chế và những giới hạn về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư đã hạn chế cơ hội thành công cho lần đấu giá này.
Nhưng đối với nhiều chuyên gia khác, thương vụ đấu giá Vinamilk chưa thành công đơn giản bởi nó diễn ra đúng vào thời điểm thị trường tài chính thế giới đang ở giai đoạn bất an. Đáng kể nhất là nguy cơ bong bóng tài sản tại Trung Quốc và việc đồng USD tiếp tục mạnh lên khiến dòng vốn đầu tư tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi và quay trở lại Mỹ.
Trong cuộc họp của Ủy Ban Thị trường mở (FOMC) mới đây, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết ngoài việc nâng lãi suất thêm 0,25% rạng sáng 15/12 thì trong năm sau, dự kiến sẽ có thêm 3 lần nâng lãi suất nữa. Trong bối cảnh đó, áp lực giảm điểm của chỉ số VN-Index sẽ ngày càng lớn.
Lý do là dù tỷ suất sinh lợi của các khoản đầu tư vào Việt Nam được đánh giá là vẫn còn khả quan, nhưng các nhà đầu tư ngoại cũng phải dành sự quan tâm về chiến lược bảo tồn suất sinh lợi trước nguy cơ các diễn biến bất lợi trên thị trường ngoại hối.
Thống kê từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), từ đầu năm tới nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra khoảng 6.450 tỷ đồng trên thị trường và mua vào 2.440 tỷ đồng. Trong đó đáng lưu ý là giá trị bán ròng của cổ phiếu VIC là rất lớn. Sau khi trừ đi cổ phiếu này, giá trị bán ròng toàn thị trường còn 254 tỷ đồng.
Điều đáng ngại là trong 2017, thị trường chứng khoán sẽ đồng loạt đón nhận một lượng lớn cổ phiếu niêm yết mới. Điển hình như hãng hàng không Vietjet Air sẽ niêm yết hơn 300 triệu cổ phiếu, bất động sản Novaland niêm yết 60 triệu cổ phiếu.
Mới đây, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cũng chính thức niêm yết hơn 2,17 tỷ cổ phiếu lên sàn, hay hai công ty bia lớn nhất trong nước là Sabeco và Habeco cũng chào sàn với hàng trăm triệu cổ phiếu.
Danh sách các DN dự kiến niêm yết cho năm sau còn có các tên tuổi lớn như: VIB, FPT Telecom, Techcombank, đường Quảng Ngãi... Bên cạnh đó là các đợt cổ phần hóa các DNNN có quy mô rất lớn như Mobifone, Lọc hóa dầu Bình Sơn, các Tổng công ty phát điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Bến Thành... Ngoài ra, khá nhiều các DN đã niêm yết cũng muốn phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn trong bối cảnh dòng vốn vay từ ngân hàng ngày càng khan hiếm.
Theo tính toán của SSI, trong năm sau tổng giá trị của lượng cổ phiếu xuất hiện thêm trên thị trường sẽ lên đến 360 nghìn tỷ đồng, gây áp lực cực lớn lên khả năng hấp thụ của thị trường.
Thực tế thì nếu xét một cách tương đối, tổng giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán so với GDP hiện chỉ mới dừng lại ở khoảng 40% - mức vẫn còn khá thấp so với các thị trường trong khu vực ở mức 80-100%. Điều này cho thấy vẫn còn dư địa rất lớn cho sức phát triển của thị trường và năng lực hấp thụ lượng cổ phiếu mới là hoàn toàn khả thi.
Tất nhiên, để hỗ trợ cho quá trình hấp thụ này diễn ra nhanh hơn, trước hết thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ cần phải tự đổi mới mình, hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư. Đó có thể là các biện pháp nâng cao tính minh bạch của thị trường, xử lý các hành vi gian dối, thao túng giá cổ phiếu. Thị trường cũng cần thêm các sản phẩm tài chính mới như chứng khoán phái sinh để giúp các nhà đầu tư có thêm công cụ giao dịch và phòng vệ rủi ro.
Giới phân tích tài chính cho rằng, Nhà nước cũng cần xem xét chính sách mở thêm cơ hội cho nhà đầu tư ngoại, nới thêm room tại các lĩnh vực mà Nhà nước không cần kiểm soát, nhất là tại các ngân hàng yếu kém.
Cơ chế đấu giá cho các đợt bán cổ phần của các DNNN cũng cần phải thay đổi theo hướng thuận tiện hơn cho nhà đầu tư, dựa theo các thông lệ quốc tế. Theo ông Fiachara Mac Cana, Giám đốc điều hành của Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC), thương vụ đấu giá chưa thành công của Vinamilk có thể mang đến một vài bài học có giá trị cho bên tham gia để giúp các thương vụ bán cổ phần kế tiếp thành công hơn cho năm sau.