Báo chí không cần nhiều, chỉ cần tinh
Thảo luận về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 18/2, các đại biểu đánh giá cao Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiếp thu chỉnh lý những vấn đề đại biểu Quốc hội đã nêu.
Tuy nhiên, trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu đề cập đến vấn đề quản lý các trang tin điện tử, rất nhiều trang ăn cắp thông tin từ báo chí chính thống; đồng thời đăng tin sai sự thật, gây rối loạn thông tin. Bên cạnh đó, nhiều quy định chưa thể hiện rõ tinh thần Hiến pháp đã có hiệu lực.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, ông Ksor Phước cho biết, thông tin trên mạng ngày càng tăng, nhưng luật báo chí mới quản lý được 40%, 60% còn bỏ ngỏ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì cho rằng, quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tiếp cận thông tin đã được Hiến pháp quy định. Hiến pháp nói về quyền tự do và chỉ hạn chế bằng luật, vì vậy hạn chế gì, cấm gì phải đưa vào luật chứ không thể để ở nghị định như thời gian qua.
“Quyền của người dân là được nói. Nói ở đây tức là nói bằng báo cũng là quyền của người dân, chứ không phải chỉ nói bằng mồm. Quản lý ở đây không có nghĩa là cấm đoán người ta mà là tạo môi trường, tạo điều kiện cho người dân thụ hưởng, cung cấp thông tin cho báo chí. Hiểu quản lý là siết lò xo lại không cho làm là không được, là vi phạm Hiến pháp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, quan điểm của Đảng, Nhà nước không cho thành lập báo chí tư nhân là thống nhất. Vậy những tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, hay những DN lớn mà thực tế hiện nay họ đã có các loại hình báo chí như: tạp chí, báo, trang điện tử… nội dung và nội hàm của nó phù hợp thì có cho phép thành lập cơ quan báo chí hay không. Các báo như Năng lượng mới của PVN, các tạp chí của Vietnam Airline… nếu không cho phép hoạt động thì xử lý thế nào.
Giải trình về những nội dung này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Bắc Son khẳng định Đảng lãnh đạo tuyệt đối về báo chí. Trong dự thảo Luật Báo chí chỉ điều chỉnh các loại hình báo chí đang quản lý. Báo chí của chúng ta không có tư nhân hóa báo chí. Đến giờ phút này báo chí nước ta không chỉ hoạt động theo luật mà còn theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, trong quá trình xây dựng dự thảo, Ban soạn thảo đã tính đến việc quy hoạch báo chí và hướng dẫn hoạt động báo chí theo quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại văn bản thông báo tháng 5/2014 với nội dung ghi rất rõ là báo chí đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và phải chủ động định hướng chỉ đạo quản lý, không để phát triển tự phát, phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt.
Quản lý được đến đâu phát triển đến đó, không thương mại hóa, không tư nhân hóa báo chí, không để tư nhân núp bóng, báo chí không cần nhiều mà cần tinh. Báo chí là công cụ đấu tranh cách mạng thì Đảng phải chỉ đạo, Nhà nước phải quản lý đầu tư, đào tạo và tạo cơ chế chính sách tài chính, cần tính toán một cách chặt chẽ phù hợp không để báo chí tự chủ hết về kinh phí.
“Trên tinh thần như vậy, Luật này chỉ quản lý báo chí do Nhà nước thành lập và quy hoạch báo chí theo lộ trình đến năm 2025, mỗi tỉnh thành chỉ có 1 tờ báo và một số ấn phẩm khác... Không có tư nhân hóa báo chí”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
Giải trình thêm về câu hỏi vì sao không đưa truyền thông xã hội vào dự án Luật Báo chí dù thời gian qua lĩnh vực này đang góp phần cung cấp thông tin rất quan trọng cho người dân, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72 và nêu rất rõ về truyền thông xã hội, về quản lý cung cấp sử dụng thông tin trên mạng, việc phân loại các trang thông tin mạng, việc quản lý nội dung thông tin mạng và có chế tài… với các quy định rất cụ thể.
Nếu đưa trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội vào dự thảo Luật thì vô hình trung Luật Báo chí đã thừa nhận trang thông tin điện tử, blog cá nhân là loại hình báo chí. Như vậy là không phù hợp với đường lối và chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra.