Báo chí và DN hợp tác, đồng hành vì thương hiệu Việt
Khủng hoảng truyền thông, nỗi đau của DN và quan hệ với báo chí | |
Khai mạc Hội báo toàn quốc 2016 | |
Báo chí không cần nhiều, chỉ cần tinh |
Ngày 10/6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp gỡ đoàn Nhà báo tham dự Chương trình Nhà báo đồng hành cùng DN.
Đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, Thủ tướng cho rằng, đất nước càng dân chủ bao nhiêu thì sự công khai, minh bạch, tiếng nói của báo chí càng quan trọng bấy nhiêu. Đây là tiếng nói của công luận, là sức mạnh của báo chí. Sức mạnh này để phục vụ sự phát triển đất nước, trong đó, góp phần xây dựng đội ngũ DN Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
Trong phát biểu, các nhà báo và các doanh nhân cùng khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ gắn bó, đồng hành giữa DN và các cơ quan báo chí.DN, doanh nhân là nguồn đề tài phong phú, đa dạng, là nguồn cảm hứng để báo chí sáng tạo tác phẩm có tính thực tiễn cao. Báo chí cũng nêu lên các bài học về thất bại của DN, số ít những DN trốn thuế, sản xuất hàng giả, hàng nhái, gây tác động xấu đến xã hội.
DN đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, tìm kiếm thị trường, nắm bắt thông tin về chính sách pháp luật của Nhà nước, hướng DN hoạt động kinh doanh đúng đắn, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện, hành vi tiêu cực, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và minh bạch.
“Trong xu hướng hội nhập quốc tế, chúng tôi nhận thấy công tác tuyên truyền giữ một vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước nói chung và các DN nói riêng. Chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí sẽ là nơi củng cố niềm tin và suy nghĩ lạc quan cho người dân, giúp cho cộng đồng cùng có những thông tin khách quan để cùng tham gia phản biện mang tính xây dựng, cho xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ, giữ gìn và xây dựng văn hóa bản sắc dân tộc trong thời đại mới”, bà Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch HĐQT Vietjet Air phát biểu.
Tuy nhiên, con đường mà báo chí và cộng đồng DN đang cùng đi không phải lúc nào cũng bằng phẳng, suôn sẻ. Những “ổ gà” trên con đường này nhiều lúc xuất phát từ quan điểm khác nhau đối với cùng một sự kiện, một hành động.
Và vì, dĩ nhiên, không DN nào muốn “đụng chạm”, bị phơi bày trước công luận về những mặt tồn tại, yếu kém, nhất là những hoạt động vi phạm pháp luật của mình. Trong khi đó, do yêu cầu về tính “mới, lạ, khác biệt” báo chí không phải lúc nào cũng đưa thông tin tích cực, một chiều…
“DN đang có nhiều mối lo như: lo cho người lao động, sản phẩm, phát triển ổn định…, đó là những mối lo lớn mà chúng ta cần tôn trọng, làm cho xã hội hiểu, báo chí đừng trở thành rào cản của DN”, Thủ tướng chia sẻ.
Báo chí cũng cần góp phần đổi mới nhận thức xã hội, tạo nên sự đồng thuận, cảm thông, chia sẻ của xã hội đối với DN, doanh nhân, tôn vinh, động viên doanh nhân đóng góp tài năng xây dựng đất nước. Các DN nên chủ động cung cấp thông tin cho báo chí tốt hơn, thường xuyên hơn.
“Tôi mong rằng thời gian tới, báo chí và DN tiếp tục đồng hành, hợp tác, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau, vì lợi ích chung của cộng đồng, vì thương hiệu DN, vì sản phẩm Việt Nam, để cùng phát triển đất nước”.
Thủ tướng hoan nghênh Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cuộc gặp gỡ báo chí – DN hết sức ý nghĩa này.
Thủ tướng cũng nêu một số nhiệm vụ đối với các Nhà báo, cơ quan báo chí: Thực hiện tốt sứ mệnh của báo chí, bảo đảm thông tin nhanh nhạy, khách quan, trung thực, luôn theo sát từng biến động trong dòng chảy đời sống, nhất là đời sống kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; thực hiện tốt vai trò cầu nối của báo chí, kịp thời chuyển tải thông tin, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Báo chí cần làm tốt hơn vai trò là diễn đàn cổ vũ, động viên các DN, doanh nhân phát huy sáng tạo, chia sẻ với DN về những khó khăn, trở ngại, phiền hà đối với quá trình sản xuất, kinh doanh; phát hiện, biểu dương những điển hình, nhân tố mới, sản phẩm tốt đồng thời phát hiện, phê phán tiêu cực, sai trái, góp phần xây dựng đội ngũ DN, doanh nhân lớn mạnh.
Báo chí cần tiếp tục đóng góp để thực hiện thông điệp Chính phủ đưa ra tại Nghị quyết 35 là tạo động lực mới cho DN phát triển. Thông điệp đó cần được chuyển tải mạnh mẽ trong xã hội, nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp mới, để đến năm 2020, có khoảng 01 triệu DN.
Thủ tưởng cũng mong rằng báo chí hỗ trợ DN, đưa DN Việt có chỗ đứng vững chắc trên thương trường, phát triển thương hiệu Việt Nam. Báo chí không thể là rào cản cho DN. Hai bên cần tôn vinh sự phát triển lẫn nhau, để cùng hướng đến lợi ích chung của toàn xã hội. Các cơ quan quản lý, các cấp, các ngành, địa phương cần tạo điều kiện để cung cấp thông tin cho báo chí một cách kịp thời và đầy đủ.
Nhân dịp này, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi thân thiết, lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các Nhà báo lão thành, lãnh đạo các cơ quan báo chí, những người làm công tác báo chí nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6).